Cuộc sống mới trên cao nguyên Chư Pưh
Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH huyện Chư Pưh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hội, đoàn thể các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn về tín dụng chính sách; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, lồng ghép việc vay vốn, sử dụng vốn tín dụng chính sách với công tác khuyến lâm - nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Lãnh đạo NHCSXH huyện Chư Pưh cho biết, đây không chỉ là nguyên nhân chủ yếu làm nên kết quả tăng trưởng dư nợ tín dụng của đơn vị, từ 60 tỷ đồng vào thời điểm thành lập, nay đạt trên 160 tỷ đồng với 7.280 hộ đang vay, trong đó chương trình có dư nợ lớn nhất là hộ nghèo 75 tỷ đồng và hộ cận nghèo 31 tỷ đồng.
Chúng tôi đến xã Ia Hla, cách thị trấn huyện Chư Pưh 32km, nằm trên vành đai biên giới Việt Nam - Campuchia. 5 năm qua đã có gần 20 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày và Nùng ở 8 buôn, làng được vay vốn ưu đãi, bình quân mỗi hộ vay 25 triệu đồng từ 9 chương trình tín dụng chính sách với 19 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu dùng cho việc mua giống mới, vật tư, thâm canh vườn cà phê, hồ tiêu, phát triển đàn gia súc, gia cầm.
Vốn chính sách đã đánh thức vùng đất khó Ia Hla, ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng thoát nghèo làm giàu. Đơn cử như anh Nay Phúc, người dân tộc Gia Rai ở buôn HraI mới ngày nào còn chật vật lo gia đình, con cái ăn học nhưng từ năm 2010 thông qua Hội Nông dân, gia đình anh được vay 30 triệu đồng về nuôi bò. Nhờ chịu khó và biết tính toán sử dụng đồng vốn hợp lý nay gia đình anh đã tạo dựng được cả một cơ ngơi khấm khá gồm đàn bò 10 con và rẫy bắp lai rộng hơn 4.000m2.
Điển hình như hộ gia đình chị Siêu Mi, người dân tộc Gia Rai ở thôn Cư PêR, xã Ia Hla. Trước đây gia đình chị Siêu Mi thuộc diện hộ nghèo, được vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH để mua giống cây, con tốt và vật tư chuyên dùng cho trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện mô hình sản xuất trồng cà phê, tiêu và nuôi bò sinh sản. Nhờ cần cù lao động và đồng vốn vay đầu tư đúng lúc, nên việc sản xuất của gia đình chị thuận lợi. Vụ thu hái cà phê đầu tiên, sau khi trừ chi phí, chị Siêu Mi thu lãi 34 triệu đồng, ấy là chưa kể đến bò mẹ đã đẻ thêm 2 con bê. Phấn khởi trước kết quả gia đình đạt được, vợ chồng chị càng chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tham gia các chương trình tập huấn về mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Ngoài anh Nay Phúc, chị Siêu Mi, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS trên cao nguyên Chư Pưh đã biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách. Phát huy những kết quả đạt được, các cán bộ NHCSXH huyện Chư Pưh đang tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.
Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Tiếp sức cho đồng bào DTTS nghèo ở Hậu Giang
- » Những ngôi nhà “mang tên 167” ở Cà Mau
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách giải quyết việc làm
- » Tín dụng chính sách góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Vĩnh Long
- » Phát triển kinh tế từ nguồn vốn giải quyết việc làm
- » Giúp miền núi cao A Lưới thêm tươi vui
- » Động lực chính giảm nghèo ở nơi “đất chật, người đông”
- » Vốn ưu đãi dẫn trâu, dê về bản
- » Đồng bào DTTS ở Lai Châu sử dụng vốn vay hiệu quả