Giúp miền núi cao A Lưới thêm tươi vui

10/05/2016
(VBSP News) Trong số 22 xã, thị trấn của huyện miền núi cao biên giới A Lưới (Thừa Thiên - Huế), xã A Đớt trước năm 2010 bị xếp ở vị trí đầu bảng về “4 nhất”: Đất đai rộng nhất, nhưng hoang hóa nhiều nhất; đồng bào DTTS đông nhất, nhưng tỷ lệ nghèo khó cao nhất.
Nguồn vốn chính sách luôn đồng hành cùng bà con đồng bào DTTS A Đớt phát triển nghề dệt zèng truyền thống

Nguồn vốn chính sách luôn đồng hành cùng bà con đồng bào DTTS A Đớt phát triển nghề dệt zèng truyền thống

Trước đây, đất đai ở miền quê phía Tây dãy Trường Sơn này khá màu mỡ nhưng do cuộc chiến tranh kéo dài và việc đốt chặt rừng nên bị xói mòn, bạc màu đến mức báo động. Quỹ đất cùng chất lượng đất giảm sút nhanh chóng kéo theo cảnh nghèo khó bao quanh khắp bản làng, thôn xóm. Thời điểm năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở xã A Đớt lên tới 61%, nhiều gia đình dân tộc Tà Ôi, Pa Kô và Cà Tu tính kế di cư đến nơi khác làm ăn.

Thực hiện chủ trương định canh, định cư, tạo điều kiện cơ sở vật chất giúp đồng bào DTTS xóa nghèo, xây dựng cuộc sống mới tại chỗ, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, ban ngành trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án, trong đó tập trung nguồn vốn chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS toàn huyện nói chung, ở xã A Đớt nói riêng phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Các chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn… trên miền rẻo cao A Đớt được giải ngân ngay khi NHCSXH thành lập, từ 788 triệu đồng đầu năm 2003, đến nay đã trên 200 tỷ đồng, để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 5 năm trở lại đây, nhờ vay được vốn chính sách kịp thời, lại có thêm sự hướng dẫn cách thức làm ăn, miền quê bên dãy Trường Sơn A Đớt đã có thêm những cánh rừng bạt ngàn, cho hiệu quả kinh tế cao, với diện tích 460ha cây keo, tràm xanh ngút ngát mà trước đây là vùng đất trống, đồi trọc. Cùng với đó, nguồn vốn chính sách và áp dụng tiến bộ của KHKT đã giúp cho những nương bắp lai, vườn cà phê năng suất cao thay thế cho gần 200ha đất ruộng khô cằn hay phát triển nghề dệt zèng truyền thống ở các thôn A Tuyên, La Tưng, Bơ Rít. Bà con các dân tộc trong xã A Đớt ngày nay đã thoát cảnh nghèo khó túng bấn và nâng cao đời sống.

Thực tế đã có không ít gia đình người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi trở thành “triệu phú” nhờ sử dụng đồng vốn chính sách vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng. Cụ thể là anh Hồ Sĩ Khu, ông Hồ Văn Mạnh, chị Hồ Thị Hợp, bà A Viết Kia đều là người dân tộc Tà Ôi ở thôn Bơ Rít. Trước đây vì cuộc sống quá khó khăn, đã có lúc họ định khăn gói bỏ núi rừng, rời quê hương đi tha phương đến nơi khác sinh sống làm ăn nhưng nghe theo lời khuyên, hướng dẫn của chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương đã ở lại nơi “chôn rau cắt rốn” và được NHCSXH cho vốn ưu đãi mua sắm cây, con giống, vật tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Tiêu biểu có gia đình CCB Hồ Văn Mạnh trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011 được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư trồng 1ha bắp lai và nuôi 1 cặp lợn nái. Sau một thời gian ngắn, ông thu lãi 22 triệu đồng từ lứa lợn giống. Nhân thành quả ban đầu, ông Mạnh mạnh dạn vay tiếp vốn chính sách từ chương trình tín dụng dành cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để khai hoang mở đất trồng keo, cây mỡ và tiếp tục thâm canh cây bắp lai. Chẳng mấy chốc, kinh tế gia đình khá giả. “Cuối năm 2015 gia đình tôi thoát hẳn nghèo rồi, trả hết tiền vay cho ngân hàng, lại sửa sang căn nhà mới, vững chắc”, ông Hồ Văn Mạnh phấn khởi nói.

Bí thư Đảng uỷ xã A Đớt, Lê Văn Danh cho biết: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, những năm trở lại đây, hộ thiếu ăn ở A Đớt không còn nữa và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng giảm rõ rệt. Nguồn vốn chính sách thời gian qua còn góp phần đắc lực để vùng rẻo cao A Đớt hoàn thành kế hoạch xóa bỏ nhà tranh tre dột nát để làm nhà ở vững chắc và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Xã A Đớt nói riêng, toàn huyện A Lưới nói chung đổi thay từng ngày. Đất với người miền quê bên dãy Trường Sơn thêm màu mỡ, tươi vui, nay đang hướng tới thoát nghèo bền vững và rất cần đến sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò động lực thúc đẩy từ các chương trình tín dụng ưu đãi.

Bài và ảnh Minh Uyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác