Cần thêm vốn để giải bài toán việc làm

04/05/2016
(VBSP News) Nhờ đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, nhiều hộ gia đình ở những vùng nông thôn trong cả nước đã chủ động mở rộng SXKD, tạo thêm được việc làm mới, ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống. Nhưng giờ đây mong muốn của NHCSXH là đề xuất với Nhà nước hàng năm bổ sung nguồn vốn để cho vay, giúp người dân cải thiện cuộc sống và tạo việc làm ổn định, bền vững hơn.
Nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH những năm qua đã thu hút, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động

Nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH những năm qua đã thu hút, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động

Theo thống kê, trong những năm qua, hàng triệu lao động đã có việc làm ổn định, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả và hàng nghìn mô hình SXKD trở thành “điểm sáng” từ những đồng vốn ưu đãi thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm đến hết quý I/2016 đạt 6.858 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương 4.261 tỷ đồng, Quỹ việc làm của địa phương 2.597 tỷ đồng, qua đó thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Ở nhiều vùng nông thôn, vào những thời điểm nông nhàn, nhờ có nguồn vốn vay, người nông dân được làm nghề “tay trái” ngay chính tại quê nhà. Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi đã đến thăm cơ sở tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, xã Tây An, huyện Tiền Hải (Thái Bình) - vay vốn ưu đãi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Phạm Thị Ngắn - Chủ cơ sở cho biết: “Với tâm niệm luôn hướng về người nông dân và phải làm gì đó cho quê hương, tôi quyết tâm chọn nghề cói truyền thống làm hướng đi chính cho cơ sở của gia đình”.

Khởi nghiệp từ năm 1996 nhưng phải đến năm 2003, cơ sở sản xuất cói truyền thống của chị Ngắn mới phát triển mạnh. “Ngay cả việc đi chào hàng cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, vốn ít nên việc mở rộng phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn”, chị Ngắn nhớ lại thuở ban đầu. May mắn thay, cơ sở sản xuất của gia đình chị Ngắn được vay 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Sử dụng đồng vốn hiệu quả, thời gian sau đó cơ sở đề nghị NHCSXH và tiếp tục được vay 400 triệu đồng để mở rộng sản xuất.

Với sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chị Ngắn đã dày công tìm tòi, kiên trì tìm kiếm thị trường ổn định để xuất khẩu sản phẩm sang các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp và Trung Quốc. Nhờ đó mà cơ sở của gia đình chị đã tạo được việc làm ổn định cho 20 lao động trực tiếp có mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng và khoảng 7.000 lao động vệ tinh thu nhập tối đa 2 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ ở Thái Bình, một mô hình điểm nữa mà chúng tôi đã “mục sở thị”, cảm nhận được hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đó là gia trại của CCB Đỗ Trung Thành ở xóm 3, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Cách đây 3 năm, được Hội CCB giúp đỡ, CCB Thành vay 20 triệu đồng đầu tư mua vật liệu, vật tư, giống mới, phục vụ trại sản xuất nấm. Đến nay, gia đình ông đã quy hoạch 5 dãy nhà với 5.000 bịch nấm rơm, mộc nhĩ. Tận dụng quỹ đất vườn, gia đình ông còn trồng xen canh các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, chuối ngự hồng. Nhờ có vốn và sự cần cù chịu khó, đồng vốn vay về cứ thế “nở hoa”. Đến nay, tổng thu nhập mỗi năm từ mô hình kinh tế gia trại của gia đình ông đạt tới cả trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Theo đánh giá của chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương, cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn từ chương trình giải quyết việc làm thời gian qua đã có nhiều đổi mới và tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả hơn. Nhìn chung, các chủ cơ sở, dự án và hộ gia đình vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng thời hạn…

Có thể nói, chương trình tín dụng giải quyết việc làm đã góp phần khôi phục ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Cũng thông qua chương trình cho vay này, các hội, đoàn thể có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở hơn, từ đó gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Tuy nhiên, theo phản ánh trực tiếp từ các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và đối tượng vay vốn, hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhằm tạo việc làm ổn định lâu dài. Mong sao, Nhà nước nghiên cứu hàng năm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để kịp thời cho vay, từ đó mới đáp ứng được lòng mong mỏi của hộ vay, chủ cơ sở và doanh nghiệp, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Bài và ảnh Đan Khuê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác