Góp sức giảm nghèo, làm giàu giữa vùng nội đô và ngoại ô

23/04/2016
(VBSP News) Chính vì biết phát huy lợi thế về sự phát triển mạnh mẽ, đồng đều về kinh tế nông, công nghiệp, thương mại dịch vụ và tìm ra cách đi riêng biệt, thích hợp nên thời gian qua đã có nhiều Phòng giao dịch NHCSXH nội đô, ngoại ô thuộc NHCSXH TP Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết việc làm.
Bà Tính đang trao đổi về cách chăm sóc bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bà Tính đang trao đổi về cách chăm sóc bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cụ thể tại huyện Đan Phượng, quê hương “Người gái đảm anh hùng” thời chống Mỹ, nơi về đích đầu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời nay, đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc NHCSXH huyện Đan Phượng, Đỗ Xuân Dương cho biết: Đi đôi với việc huy động các nguồn lực, tài chính để tăng trưởng dư nợ và tổ chức chuyển tải nhanh chóng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH huyện đã tập trung cho vay thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong khu vực nông thôn. Trong đó, tập trung hỗ trợ cho vay các dự án trồng trọt như trồng chuối ngự, đu đủ vàng, hoa ly ngũ sắc và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt hơn 194 tỷ đồng; riêng dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 54 tỷ đồng, với 5.384 hộ được vay vốn, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân của huyện được sử dụng nước sạch lên trên 80%; cho vay giải quyết việc làm trên 42 tỷ đồng, với 2.040 hộ còn dư nợ, góp phần thực hiện thành công tiêu chí 12 về cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới.

Điển hình của địa phương trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả đó là hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Trung, xã Liên Trung. Sau 3 năm vay gần 40 triệu đồng từ các chương trình tín dụng giải quyết việc làm và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH huyện để mở rộng nghề mộc truyền thống, cải thiện điều kiện cấp nước sạch, cuộc sống của gia đình chị Huyền ngày càng khấm khá. Không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho các thành viên trong gia đình, xưởng sản xuất của gia đình chị còn giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Tương tự, hộ gia đình bà Hoàng Thị Hội ở thôn Hạ, đã sử dụng đồng vốn hộ nghèo để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nay đã thoát hết nghèo, hoàn trả vốn vay trước kỳ hạn cho ngân hàng, lại có tiền dư dật mua máy xay xát lương thực.

Liền kề với huyện Đan Phượng là quận Bắc Từ Liêm, tuy mới tròn 2 năm thành lập trên cơ sở tách từ một nửa huyện Từ Liêm nhưng cũng đã tạo bước chuyển động mới trong chương trình giảm nghèo bền vững. Với 7 cán bộ tín dụng chính sách đã nỗ lực vượt khó, phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn chuyển tải tới 122 tỷ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến khắp phố phường, cho vay đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Gia đình bà Trần Thị Tính ở tổ 15, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, được Hội Nông dân địa phương giúp đỡ đã mạnh dạn sử dụng toàn 20 triệu đồng tiền vay chương trình hộ nghèo được từ NHCSXH đầu tư cải tạo, gây giống trồng 75 gốc bưởi Diễn và nuôi gà thả vườn. “Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, riêng tiền bán bưởi, gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, đàn gà 100 con đã giúp tôi trả hết nợ ngân hàng”, bà Tính hồ hởi kể với chúng tôi.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Diễn, những năm gần đây phát huy tiềm năng của địa phương, hội đã động viên các hộ gia đình tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng bưởi Diễn đồng thời triển khai tư vấn, hướng dẫn hội viên vay vốn thuận lợi, kết hợp trồng bưởi với phát triển trồng rau sạch, chăn nuôi, đời sống của người dân nhờ thế đã khá hơn rất nhiều.

Người nghèo và các đối tượng chính sách xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nhận vốn vay tại Điểm giao dịch

Người nghèo và các đối tượng chính sách xã Liên Trung, huyện Đan Phượng nhận vốn vay tại Điểm giao dịch

Tín dụng chính sách ở vùng ngoại đô, nội đô thuộc TP Hà Nội đạt được kết quả đó trước hết là nhờ vào việc quán triệt và triển khai tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. “Các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trên địa bàn đã thật sự vào cuộc coi công tác tín dụng chính sách thành một nhiệm vụ chính và tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho NHCSXH hoạt động vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội”, Giám đốc NHCSXH huyện Đan Phượng cho biết.

Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH các quận, huyện thuộc TP Hà Nội đang tích cực tiếp tục triển khai công tác uỷ thác, khai thác mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố, huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu về vốn của các hộ nghèo và đối tượng chính sách, tập trung góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 1,5% - 2% trong năm 2016.

Bài và ảnh Hà Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác