“Cầu nối” giữa ngân hàng và đồng bào nghèo Đắk Glong
Trước đây kinh tế gia đình ông K’lem ở bon Bu Dơng, xã Quảng Khê gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 1,5ha cà phê nhưng năng suất thấp. Năm 2013, gia đình ông đã được Tổ tiết kiệm giúp làm thủ tục vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo, cùng với số vốn tích góp được, ông đã mạnh dạn đầu tư mua phân bón, máy tưới, máy phát, quyết tâm khôi phục lại diện tích cà phê của gia đình. Có đồng vốn và được hướng dẫn cách làm ăn, vụ thu hoạch cà phê năm ngoái đã cho năng suất 4,5 tấn, cao hơn trước đây 2 tấn.
Cùng xã Quảng Khê, còn có gia đình bà Trần Thị Thi ở thôn 3, từ 30 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo làm “bà đỡ”, gia đình bà đã có điều kiện cải tạo vườn tạp, mở thêm đất trồng 3ha cà phê, 1.000 trụ tiêu. Đến nay, kinh tế gia đình bà đã khá hơn, thoát nghèo và làm được căn nhà khang trang, ấm cúng.
Toàn huyện Đắk Glong hiện có hơn 150 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 11.015 hộ đang vay vốn từ NHCSXH trên 245,7 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHCSXH huyện cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc trở thành “cầu nối” giữa NHCSXH với người dân trong tuyên truyền chính sách, giải ngân và quản lý vốn vay, đơn vị luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Để từng bước nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, hàng năm, đối với những tổ hoạt động yếu do Tổ trưởng không có tâm huyết, thiếu trách nhiệm, đơn vị phân tích rõ, đánh giá cụ thể, từ đó, làm cơ sở để quyết định thay thế Tổ trưởng. Những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả đã được biểu dương khen thưởng kịp thời; những cán bộ hội, đoàn thể chuyên trách làm công tác uỷ thác và Ban quản lý tổ cũng thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ quản lý sổ sách, họp hành bình xét vay vốn chính sách đảm bảo dân chủ, công bằng và đôn đốc hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đạt hiệu quả, trả nợ vay ngân hàng đúng định kỳ.
“Nhờ được NHCSXH tổ chức học tập nghiệp vụ cũng như tuyên truyền cụ thể từng chương trình tín dụng ưu đãi, nên Tổ tiết kiệm và vay vốn chúng tôi luôn thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. 53 thành viên trong tổ đã được vay 1,5 tỷ đồng của NHCSXH, đầu tư vào thâm canh vườn cà phê, hồ tiêu, thoát cảnh nghèo khó, nâng cao cuộc sống”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Đắk Som, Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Bài và ảnh Thanh Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người nghèo ở vùng đất khó làm giàu từ đồng vốn ưu đãi
- » Khát khao nước sạch
- » Diện mạo mới ở vùng quê Krông Nô
- » Vốn vay dẫn đường, người mù lập cơ nghiệp
- » NHCSXH TP Đà Nẵng sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40
- » Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở Lý Nhân
- » Cùng người nghèo thoát nghèo
- » Chuyện thoát nghèo ở Bắc Phong
- » Người Khmer ở Tịnh Biên vay vốn tính toán làm giàu
- » Vốn chính sách tiếp bước sinh viên đến trường