Vốn vay dẫn đường, người mù lập cơ nghiệp

06/04/2016
(VBSP News) Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh Bùi Văn Tý ở thôn An Khê, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Chứng kiến cảnh gia đình anh vui vẻ, không ai nghĩ chỉ vài năm trước cuộc sống của họ rất cơ cực.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, anh Bùi Văn Tý đầu tư chăn nuôi và đã thoát nghèo

Nhờ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, anh Bùi Văn Tý đầu tư chăn nuôi và đã thoát nghèo

Động lực từ đồng vốn

Nhấp ngụm chè xanh, anh Tý kể, cách đây hơn 10 năm, trong một lần cuốc đất trống khoai không may anh đụng phải quả bom bi. Bom phát nổ làm anh bị mù mắt phải, mắt trái nhìn không rõ. Vì nghèo, anh lần lừa không đi viện, đến năm 2011 thì mù hẳn.

Trong những ngày khó khăn ấy, vợ con, làng xóm luôn động viên anh Tý. Biết cảnh anh nghèo khổ, chính quyền và Hội Nông dân xã động viên, hướng dẫn anh vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế. Với sự giúp đỡ tận tình của NHCSXH huyện Gio Linh, năm 2011 gia đình anh Tý được vay 20 triệu đồng diện hộ nghèo để mua 2 con bò về nuôi. Năm 2014, được tạo điều kiện cho vay bổ sung 20 triệu đồng, anh thêm tiền mua tiếp 2 con bò. Ngoài nuôi bò, năm 2012 anh Tý còn được Hội Nông dân xã Gio Sơn hỗ trợ xây dựng hầm biogas để chăn nuôi lợn. Từ đó, chuồng lợn gia đình anh Tý lúc nào cũng có 4 - 5 con lợn nái, mỗi năm lãi 45 - 50 triệu đồng tiền bán lợn giống.

Đến cuối năm 2015, đàn bò của anh Tý đã tăng lên 10 con. “Dịp cuối năm vừa rồi, tôi bán 4 con bò được gần 100 triệu đồng, sửa sang lại ngôi nhà cho khang trang để ăn tết. Thới gian tới tôi sẽ tập trung trồng thêm cỏ để nuôi nhiều bò hơn nữa”, anh Tý phấn khởi thổ lộ. Gia đình anh Tý đã thoát nghèo từ năm 2014, con cái ăn học đàng hoàng.

Cũng là hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông Trần Thanh Thành ở thôn 2B, xã Hải Thái, huyện Gio Linh cười tươi khoe: “Trước năm 2014, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo kinh niên, nhìn vào gia cảnh ai cũng nản. Giờ thì thoát nghèo rồi, tôi còn làm trang trại trồng cao su, nuôi 8 con bò lẫn cả gà, vịt nữa”. Có được niềm vui ấy, ông Thành bảo là nhờ vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH từ năm 2012.

Người đồng hành tận tụy

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Gio Linh, Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết, đối tượng vay vốn của ngân hàng đa số là người nghèo, trình độ hạn chế nên cán bộ tín dụng phải nỗ lực, tận tụy. “Anh em cán bộ ngân hàng ngày nào cũng phải đi cơ sở, cùng với tổ chức tham gia ủy thác nắm rõ gia cảnh từng gia đình, từng hộ vay vốn để kịp thời tư vấn, hướng dẫn, có khi phải cầm tay chỉ việc để giúp bà con biết sử dụng vốn hiệu quả, từ đó có hướng thoát nghèo…”, bà Hằng chia sẻ.

Tại mỗi xã, NHCSXH đặt Điểm giao dịch vào một ngày cố định trong tháng, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại cho hộ dân. Tại mỗi thôn, bản đều có Tổ tiết kiệm vay vốn với những cộng tác viên nhiệt huyết, là cánh tay nối dài của ngân hàng để chuyển tải vốn đến đúng đối tượng, giám sát, thông tin về quá trình hộ sử dụng vốn vay…

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, Trần Lương Quang cho biết, trong những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn đã sử dụng hiệu quả vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, các tiêu chí thu nhập, việc làm, hộ nghèo… được cải thiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài và ảnh Phong Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác