Chuyện thoát nghèo ở Bắc Phong

06/04/2016
(VBSP News) Là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bản xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã vươn lên phát triển kinh tế có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.
Nông dân nghèo xã Bắc Phong trồng cam từ nguồn vốn vay ưu đãi

Nông dân nghèo xã Bắc Phong trồng cam từ nguồn vốn vay ưu đãi

Nhớ những đồng vốn khởi nghiệp

Cách đây chưa lâu, gia đình anh Đỗ Bá Sơn ở xóm Hồng Vân, xã Bắc Phong còn thuộc diện hộ nghèo. Tuy diện tích đất đồi rộng song do không có vốn để đầu tư sản xuất nên đời sống gia đình anh Sơn gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, thông qua Hội Nông dân xã Bắc Phong, gia đình anh Sơn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Cao Phong. Từ số tiền vay ban đầu là 30 triệu đồng, anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả đồi. Với sự giúp đỡ của cán bộ Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông nên đàn gà của gia đình anh phát triển khá tốt. Khi đã có kinh nghiệm, anh dần tăng đàn mỗi lứa từ 300, 500 rồi l.000 con. Đến nay, không chỉ thanh toán hết số vốn vay ban đầu, gia đình anh còn có vốn đầu tư trồng gần 500 gốc cam lòng vàng. “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Giờ cuộc sống đã khấm khá hơn trước nhưng tôi luôn nhớ tới đồng vốn khởi nghiệp đầu tiên vay từ NHCSXH. Với những hộ nghèo như tôi, nguồn vốn ưu đãi đó có ý nghĩa rất lớn”, anh Sơn chia sẻ.

Hiện nay trên địa bàn xã Bắc Phong có 19 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 717 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH thuộc 10 chương trình tín dụng, tổng dư nợ trên 19,5 tỷ đồng. Nhiều năm liền, xã không có nợ quá hạn, tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động được 150 triệu đồng.

Từ hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, trên địa bàn xã Bắc Phong đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình nông dân vươn lên khá giả. Khi “cái khó” là vốn đầu tư đã được tháo gỡ, nhiều hộ gia đình đã áp dụng thành công tiến bộ KHKT, đưa vào sản xuất nhiều loại vật nuôi, cây trồng có giá trị, từ đó tăng hiệu quả SXKD và dần vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, số hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng năm từ 80 - 100 triệu đồng tăng liên tục qua các năm. Điển hình như các hộ ông Bùi Văn An ở xóm Dài, bà Bùi Thị Thu, ông Nguyễn Văn Hải ở xóm Hải Phong, ông Quách Văn Lương, ông Hoàng Bình Đức ở xóm Tiến Lâm 2… Nguồn vốn ưu đãi đã có những đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chỉ còn 16,76%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 24%.

Huy động mọi nguồn lực

Xác định nguồn vốn ưu đãi chính là “cơ hội” thuận lợi để người dân vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Bắc Phong luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi. Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội sát với đặc điểm, điều kiện của địa phương, Đảng ủy xã Bắc Phong còn chú trọng lãnh đạo phát huy tốt vai trò của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong tham gia nhận ủy thác vốn vay và định hướng, giúp đỡ người dân lựa chọn phương án sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả cao nhất.

Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở xã Bắc Phong cho thấy, việc phối họp, kết hợp giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể có ý nghĩa quan trọng. Đại diện các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên động viên, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả vốn vay. Hàng tháng, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đối chiếu, kiểm tra số dư nợ của các hộ vay vốn theo quy định. Định kỳ, NHCSXH còn tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn những nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay, các chủ trương, chính sách mới liên quan đến nguồn tiền vay.

Đánh giá về mô hình của xã Bắc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, Vũ Đinh Việt cho hay, đây là một trong những “điểm sáng” của địa phương về khai thác, sử dụng các nguồn vốn ưu đãi. Vốn vay ưu đãi đã thực sự trở thành động lực quan trọng giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Minh Chính

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác