Đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh

25/03/2016
(VBSP News) Thời gian qua, chương trình tín dụng NS&VSMTNT do NHCSXH tỉnh Đắk Lắk triển khai đã giúp nhiều gia đình ở nông thôn có thêm vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, vệ sinh đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Chương trình cũng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn và góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng bào DTTS ở xã Rang Rê H, huyện K’Rông Bông sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi vào việc xây dựng các bể chưa nước sạch, phục vụ cho gia đình Ảnh: Minh Lương

Đồng bào DTTS ở xã Rang Rê H, huyện K’Rông Bông sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi vào việc xây dựng các bể chưa nước sạch, phục vụ cho gia đình
                                                                                                                                                         Ảnh: Minh Lương

Sau 8 năm thực hiện chương trình tín dụng NS&VSMTNT, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tới 15/15 huyện, thị xã, thành phố với tổng dư nợ trên 354 tỷ đồng, cho 12.851 hộ vay để xây dựng 77.314 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Riêng trong năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 12.575 công trình nước sạch và 11.950 công trình vệ sinh được xây mới và đưa vào sử dụng phục vụ đời sống dân sinh của người dân vùng nông thôn.

Trước đây, gia đình bà H’Saly ở buôn Buôr, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột thường xuyên phải dùng nước giếng khơi. Biết được nguồn nước không đảm bảo vệ sinh do ô nhiễm bởi các nguồn nước từ ao hồ, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi… nhưng vẫn phải dùng để tắm giặt, còn việc sử dụng cho nấu ăn, nước uống, gia đình phải sử dụng nguồn nước mưa. Năm 2014, bà H’Saly vay 12 triệu đồng nguồn vốn vốn ưu đãi cùng vốn tự có của gia đình đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, Nguyễn Đức Thuận chia sẻ, dân số của xã là 7.351 người, trong đó đồng bào DTTS có 3.822 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp với tỷ trọng hơn 78%. Hiện nay, khoảng 334 hộ dân vay vốn NS&VSMTNT với tổng số tiền là hơn 3,3 tỷ đồng. Trên địa bàn xã, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng trên 70%. Nguồn vốn cho vay đã góp phần giảm thiểu bệnh tật do thiếu nước sạch hoặc sử dụng công trình vệ sinh chưa đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, dự kiến vào cuối năm 2016 xã đạt chuẩn.

Về việc triển khai và giám sát các hộ vay vốn, kể từ khi có chủ trương của NHCSXH tỉnh, xã Hòa Xuân đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình cùng các thành viên là các cán bộ hội, đoàn thể… do đó việc xét duyệt và cho vay thông qua bình xét dân chủ, công khai có sự chứng kiến của Trưởng thôn, buôn, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” nên nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Tử Ân cho biết, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương, cùng các hội, đoàn thể tích cực triển khai đến các hộ dân có nhu cầu vay vốn sử dụng nước sạch và xây dựng khu vệ sinh hợp tiêu chuẩn. NHCSXH cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Tổ giao dịch lưu động và Điểm giao dịch xã, duy trì lịch giao dịch đều đặn tại các Điểm giao dịch. Do vậy, việc triển khai chương trình từ khâu thiết lập hồ sơ cho vay, tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi cũng như quá trình kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay rất thuận lợi.

Tuy nhiên, khó khăn của chương trình này khi triển khai trên thực tế hầu hết các chi phí nhân công và nguyên vật liệu ở địa bàn khu vực Tây Nguyên thường cao hơn so với tỉnh đồng bằng. Bởi chỉ mua sắm bồn chứa nước, máy bơm nước đã tiêu tốn hơn 6 triệu đồng, chưa kể xây dựng nhà vệ sinh và các chi phí phát sinh khác. Hiện tại, một số hộ khó khăn xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay nên công trình không bảo đảm chất lượng hoặc không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện hộ dân được vay vốn đầu tư hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, với mức cho vay 6 triệu đồng/công trình hiện nay không còn phù hợp với công trình. Do vậy, tỉnh đề xuất Chính phủ tăng mức cho vay lên 10 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí, giá cả vật tư hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng các công trình vệ sinh hoặc cho vay để cải tạo các công trình vệ sinh và nước sạch đối với các công trình đã trả hết nguồn vốn vay trước kia.

Toàn tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 95% dân số được dùng nước hợp vệ sinh. Trong đó, có 65% dân nông thôn được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia. Vì vậy, việc thực hiện chương trình tín dụng NS&VSMTNT cho các hộ dân nói chung, xã Hòa Xuân nói riêng sẽ là điểm tựa vững chắc để hoàn thiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk trong thời gian tới.

Kim Bảo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác