Diện mạo mới ở vùng quê Krông Nô

08/04/2016
(VBSP News) Vào những ngày này, có dịp trở lại xã Krông Nô, huyện Lắk (Đắk Lắk) - nơi có gần 1.000 hộ gia đình từ các tỉnh đồng bằng Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình... vào lập nghiệp sau ngày miền Nam giải phóng, cùng hơn 300 gia đình đồng bào dân tộc bản địa K’Ho, Ê Đê, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của một vùng rừng núi Tây Nguyên.
Những vườn hồ tiêu xanh tốt của bà con nông dân nghèo có sự đóng góp của vốn vay ưu đãi

Những vườn hồ tiêu xanh tốt của bà con nông dân nghèo có sự đóng góp của vốn vay ưu đãi

Khắp các buôn làng của Krông Nô, những ngôi nhà mới xây mọc lên san sát, đường được bê tông hóa, mở rộng nối liền đến huyện sang tận huyện Đam Rông tỉnh bạn Lâm Đồng; rồi những thung lũng ngô lai, những vạt đồi cà phê, dâu xanh bạt ngàn đang mang lại một cuộc sống no đủ, bình yên trên cao nguyên này.

Lãnh đạo NHCSXH huyện Lắk cho biết đến hết năm 2015, toàn huyện có hơn 10 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi, với mức dư nợ bình quân 22,8 triệu đồng/hộ.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Krông Nô, Lê Thị Khuyên quê gốc Hưng Yên, được sinh ra và trưởng thành trên dải đất đỏ bazan cho chúng tôi biết, những năm về trước, bà con người Kinh, K’Ho, Ê Đê nơi đây chỉ trông vào cây lúa nương và củ sắn đồi, lại thiếu vốn sản xuất và quen lối canh tác lạc hậu, cuộc sống khó khăn, đất đai cứ hoang hóa xác xơ, nhưng từ khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển cây công nghiệp như: chè, hồ tiêu, dâu tằm thì buôn làng mới khởi sắc, đến nay có diện mạo mới.

Theo chị Khuyên, trong tổng dư nợ trên 21 tỷ đồng của xã Krông Nô với NHCSXH huyện Lắk thì bà con DTTS chủ yếu tập trung đầu tư vào khai hoang lập vườn, trồng cà phê được hơn 700ha. Nhờ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, cây cà phê giống mới catimor nhanh chóng ra hoa, kết trái có hương thơm dịu, bán được giá đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 19,7% thời điểm năm 2008 xuống còn 6,2% cuối năm 2015 và mức thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, đến nay, đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể những điển hình thoát nghèo làm giàu từ việc khai hoang mở đất thâm canh cây cà phê, phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, Bí thư Đoàn xã Knông Nô đã dẫn chúng tôi tới thăm mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Nhạn ở thôn Đắk Trơ. Vòng quanh vườn cà phê và đồi dâu tằm xanh mướt rộng gần chục hec-ta, chị Nhạn kể, hồi mới rời vùng đất bãi sông Hồng vào Tây Nguyên lập nghiệp, chưa mở được đất, tiền bạc trong tay cũng chẳng có nên cứ nghèo suốt. Mãi đến năm 2008, nhờ Hội Phụ nữ xã, gia đình chị mới tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Từ 25 triệu đồng được vay gia đình chị đã đầu tư trồng cà phê. “Đất đã chẳng phụ công người, nhờ có đồng vốn chính sách tiếp sức cùng sự cần cù lao động của các thành viên, 6ha cà phê giống mới đạt mức thu nhập 300 triệu đồng/năm. Những năm sau từ nguồn tích luỹ dôi dư gia đình mở rộng diện tích trồng dâu, ngô lai” chị Nhạn nói.

Cùng xã với chị Nhạn, gia đình anh Ya Na Mô, dân tộc Ê Đê cũng bị cái nghèo đeo bám dai dẳng. Qua hơn 3 năm sử dụng vốn vay ưu đãi, giờ đây vợ chồng anh Ya Na Mô đã có 100 trụ hồ tiêu, và thêm cả đàn bò và chuồng heo giống. Không chỉ gia đình chị Nhạn, anh Ya Na Mô, đến nay đã có hàng trăm hộ nghèo ở xã Knông Nô, huyện Lắk đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ nhờ vốn vay ưu đãi.

Những kết quả hôm nay là thành quả để cán bộ, viên chức NHCSXH huyện Lắk tiếp tục làm tốt hơn công tác chuyển vốn ưu đãi đến tận tay đồng bào để phát triển sản xuất góp phần thực hiện thành công mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác