A Lưới hồi sinh

21/04/2016
(VBSP News) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện (03/3/1976 - 03/3/2016), 50 năm ngày giải phóng A So - một cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ Ngụy ở chiến trường Trị Thiên. Nhìn lại 4 thập kỷ qua, A Lưới đã từ một vùng đất nghèo, đầy vết thương chiến tranh..., nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, trong đó tín dụng chính sách được coi là “đòn bẩy” vững chắc nhất, giúp A Lưới đổi thay từng ngày.
Đồng bào DTTS ở huyện A Lưới trồng cao su để xóa nghèo

Đồng bào DTTS ở huyện A Lưới trồng cao su để xóa nghèo

Là huyện miền núi, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, có 91km đường biên giới, giáp với nước bạn Lào. Huyện A Lưới có 21 xã, thị trấn đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với diện tích tự nhiên 1.700km2, A Lưới có trên 47.000 dân, gồm 5 dân tộc Pa Kô, Cà Tu, Tà Ôi, Kinh và Pa Hi cùng chung sống, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm 85%. Trước đây, bà con đồng bào DTTS sản xuất nông nghiệp theo phương thức lạc hậu “phát, cốt, đốt, tỉa” cuộc sống bấp bênh, thiếu đói quanh năm…

Với chính sách ưu tiên phát triển vùng dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước; cùng sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm qua 5 năm qua (2011 2015) tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào A Lưới đạt gần 6.000 tỷ đồng, cùng với đó là nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện. Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, chủ trương của huyện là không đầu tư, hỗ trợ dàn trải, đặc biệt với chương trình giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội triển khai đã có hiệu quả. Ngoài xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, người nghèo còn được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền địa phương, cái khó trong công tác giảm nghèo ở A Lưới là phải thay đổi tập quán canh tác lâu đời của đồng bào các dân tộc. Mặc dù, nhiều lớp tập huấn chuyển giao công nghệ vừa kết thúc cũng là lúc bà con lại quay về tập quán cũ.

Theo Trạm trưởng Khuyến nông huyện A Lưới, Nguyễn Đức Phú,phương thức cầm tay chỉ việc được sử dụng quyết liệt, xem như đòn bẩy để thoát nghèo. Với phương thức này,cán bộ khuyến nông, khuyến lâm luôn đồng hành cùng bà con dân bản để hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, phát triển kinh tế; chuyển giao các loại giống mới cho năng suất cao, giống ngô cho nhiều hạt đến từng hộ gia đình. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% con giống, 100% phân bón, số còn lại vận động người dân góp công, góp của để cùng giảm nghèo. Nhờ vậy, các xã Hồng Thủy, Hồng Bắc và A Ngo đã xây dựng được mô hình trồng 10ha chuối hàng hóa, xã A Đớt có mô hình trồng trên 30ha cao su; xã Hồng Thái, Hồng Hạ xây dựng 15ha phát triển kinh tế rừng; Hồng Thượng, Hồng Trung, Đông Sơn đầu tư 30ha thâm canh lúa nước. Bên cạnh đó, mô hình phát triển chăn nuôi được xây dựng ở các xã Hương Nguyên, Hồng Vân.

Từ một huyện, nông dân thiếu đói thường xuyên, nay đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa và xuất hiện nhiều nhân tố mới trong phong trào sản xuất giỏi. “Bà con các dân tộc trong huyện bây giờ đang dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thực tế đã có không ít hộ đồng bào Pa Kô, Tà Ôi đã trở thành triệu phú nhờ canh tác nông-lâm nghiệp. Nguyên nhân làm nên sự đổi thay thì có nhiều, nhưng một nguyên nhân không thể thiếu, đó là NHCSXH đã tập trung nguồn vốn (dư nợ năm 2015 trên 200 tỷ đồng) đầu tư vào giảm nghèo của A Lưới”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng khng định.

Nhờ có thêm nguồn vốn tín dụng chính sách, A Lưới đã có trên 11.500ha rừng kinh tế, cơ bản phủ xong đất trống, đồi núi trọc, trả lại màu xanh cho núi đồi. Các giống ngô lai, lúa nước năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đại trà trên đồng ruộng. Dựa vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH và tiến bộ KHKT, A Lưới đã phát triển cây cao su tiểu điền lên trên 1.300ha, đưa giống cà phê catimor có năng suất cao lên 747ha. Riêng xã A Roàng giáp với nước bạn Lào, đã được NHCSXH cho vay trên 4 tỷ đồng để tham gia dự án phát triển cao su tiểu điền.

Với nguồn vốn đầu tư hiệu quả, giai đoạn 2011 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của A Lưới đạt 13,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển hướng theo hướng tích cực, tính đến năm 2015 tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 52,1%, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 36,5%, ngành dịch vụ chiếm 11,4%; thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 48,7% (năm 2005) giảm xuống còn 10% (năm 2015).

Nói về định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, để giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 xuống còn dưới 6% Nghị quyết Đảng đã đề ra, ngoài phát huy thế mạnh các chương trình trồng cây ăn quả, cà phê cao su thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai cho thu nhập cao, A Lưới xác định mũi nhọn vẫn là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới là những công việc chính cần làm.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác