Làm giàu trên cao nguyên Đam Rông

21/04/2016
(VBSP News) Trước đây có nhiều gia đình nghèo khó từ các tỉnh miền Bắc, nơi đất chật người đông và ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh khí hậu khắc nghiệt, bão lũ liên tiếp đã di cư lên cao nguyên Đam Rông (Lâm Đồng) khai hoang lập nghiệp, làm kinh tế mới. Vốn liếng họ mang theo chẳng đáng kể ngoài sự cần cù lao động và ý chí khát vọng đổi đời.
Chị Mai Thị Hường vay 30 triệu đồng để cải tạo, thâm canh cà phê giống mới catimor

Chị Mai Thị Hường vay 30 triệu đồng để cải tạo, thâm canh cà phê giống mới catimor

Thời gian dần trôi, được chính quyền và các ban, ngành địa phương giúp đỡ, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHCSXH luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời, số hộ “dân mới” trên “quê mới” có điều kiện yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, một số người đã trở thành chủ nhân giàu có với cơ ngơi nhà ở khang trang, đầy đủ, con cái học hành thành đạt…

Gia đình ông Nguyễn Đình Thân là một dẫn chứng sinh động. Tiếp chúng tôi giữa nương dâu xanh mướt, ông Thân nhớ lại: “Gia đình tôi rời làng quê gió Lào nắng lửa khô hạn ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vào theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Thuở ấy xã Đạ Rsal của huyện nghèo Đam Rông này hoang vắng lắm, đường sá bụi mù về mùa khô, lầy thụt sau mỗi trận mưa từ thượng nguồn đổ về; đã vậy, bà con dân tộc bản địa MNông, K’Ho còn lạc hậu, khổ cực. Như nhiều gia đình khác, chúng tôi đến cao nguyên Đạ Rsal với hai bàn tay trắng, vốn liếng không đáng kể, chỉ đủ mua một vạt đất gần khe núi để trồng ngô, mỳ. Cùng thời điểm chính quyền xã cung cấp đất dựng nhà tạm. Năm 2003 NHCSXH huyện Đam Rông ra đời đã giải quyết cho hơn 300 hộ gia đình là đồng bào DTTS Tây Nguyên và các hộ gia đình đi làm kinh tế mới vay vốn ưu đãi, gia đình tôi cũng được vay để trồng trọt, chăn nuôi”.

Theo lời kể của ông Thân thì từ 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi ban đầu ấy cộng với sự cần cù lao động của các thành viên trong gia đình, ông đã gây dựng được mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích 3,8ha dâu tằm, cà phê, ngô lai, mỗi năm thu nhập tới trăm triệu đồng. Ngoài đàn lợn nái, lợn giống, ông còn nuôi 30 con dê tăng thêm thu nhập.

Khi kinh tế gia đình khấm khá, trả hết nợ vay cho ngân hàng, ông Thân đã nhiệt tình tham gia công tác xã hội, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân, ông Nguyễn Văn Thân đã không những làm tròn việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương quản lý tốt nguồn vốn chính sách của NHCSXH, mà còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Chính phủ về tín dụng ưu đãi, đồng thời đôn đốc các chi hội, hội viên nông dân vay vốn thực hiện tốt công tác trả nợ, lãi đúng hạn cho ngân hàng, góp phần tái tạo các nguồn vốn vay, giúp phong trào nông dân thi đua sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao, giúp nhau thoát nghèo, đua nhau làm kinh tế giỏi.

Đến nay, Hội Nông dân xã Đạ Rsal có 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 377 thành viên, đạt mức dư nợ gần 12 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ toàn xã với NHCSXH huyện Đam Rông, tỷ lệ hộ nghèo là hội viên nông dân giảm từ 27% năm 2010 xuống 9,5% vào cuối năm 2015.

NHCSXH huyện Đam Rông luôn đạo điều kiện tốt nhất cho bà con đến vay vốn

NHCSXH huyện Đam Rông luôn đạo điều kiện tốt nhất cho bà con đến vay vốn

Mô hình sản xuất cùng với vai trò “đầu tàu gương mẫu” của Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Thân được lãnh đạo và nhân dân địa phương lựa chọn để học tập làm theo, nhân rộng. Nhiều hộ đã sử dụng vốn vay chính sách làm mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế chăn nuôi, trồng trọt đã không ngừng phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương một cách bền vững. Gia đình chị Mai Thị Hường ở thôn Hương Liên, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông là một ví dụ, được vay nguồn vốn ưu đãi từ cuối năm 2005 để khai hoang đất đồi trồng cà phê. Sau 5 năm chăm chỉ lao động, vườn cà phê phát triển tươi tốt, sai quả đã giúp gia đình chị có thêm thu nhập. Cuộc sống được cải thiện, gia đình chị đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Chia sẻ về những thành quả đạt được từ đồng vốn vay ưu đãi, chị Hường tâm sự: Sau khi trả hết vốn vay, gia đình tôi tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để cải tạo, thâm canh gần 1.200 cây cà phê giống mới catimor. Vụ thu hoạch năm vừa qua, gia đình tôi thu hơn 3 tấn hạt cà phê chất lượng cao. Số tiền lãi bán được từ cà phê, tôi mua cặp heo nái và trồng thêm 2.500m2 dâu tằm. Không những thế, 2 người con của tôi sau khi thi đỗ đại học đã tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để yên tâm học tập nơi thành phố.

Bí thư huyện ủy Đam Rông, Vũ Kim Sinh cho biết, cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao tác dụng của nguồn vốn chính sách cũng như ý chí, tinh thần lao động của người dân. Hầu hết đồng bào từ các nơi lên cao nguyên Đam Rông đã và đang biết cách sử dụng vốn vay hợp lý, đạt kết quả, góp phần thiết thực dấy lên phong trào SXKD giỏi, tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Việt Linh - Minh Lương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác