Khi Chủ tịch xã tham gia quản lý vốn ưu đãi

29/04/2016
(VBSP News) Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Chủ trương này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn chính sách ngay tại cơ sở.
Từ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có điều kiện đầu tư vào cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao

Từ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có điều kiện đầu tư vào cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao

Trước đây, Chủ tịch UBND cấp xã tham gia các hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở như: Chứng thực hồ sơ, hồ sơ xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ… Tuy nhiên, việc tham gia này chưa hợp thức hoá, chưa có sự ràng buộc, vai trò, trách nhiệm chưa cao. Khi là thành viên chính thức của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã được phân công nhiệm vụ quản lý vốn ngay tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã và cuộc họp của Ban đại diện tại huyện.

Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn cho biết: Là thành viên của Ban đại diện HĐQT, trước các cuộc họp, Ban đại diện đều phải chuẩn bị nội dung họp. Tại cuộc họp, báo cáo tình hình thực hiện chính sách vốn tại địa bàn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, có kiến nghị, đề xuất… Đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo và nắm tinh thần chỉ đạo của Ban đại diện. Nhờ đó chỉ đạo thực hiện chính sách tín dụng ở xã kịp thời, hiệu quả hơn.

Hiện nay trên địa bàn xã Hợp Thành có 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 654 tổ viên. Xã thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 11,7 tỷ đồng. UBND xã phối hợp với NHCSXH huyện Kỳ Sơn tạo điều kiện để các Tổ trưởng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn được tham gia những lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách mới luôn được UBND xã cập nhật kịp thời để phổ biến sâu rộng, góp phần giúp Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như các thành viên hiểu các quy định và chấp hành tốt hơn. Nhờ đó, các tổ đã kịp thời nắm bắt, triển khai và đưa nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đúng đối tượng, góp phần vào giảm nghèo tại địa phương, đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, hộ cận nghèo 5,5%.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hòa Bình, cho biết: Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng ở cơ sở. Cụ thể là có sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền với NHCSXH chặt chẽ hơn. Việc chỉ đạo đối với Ban giảm nghèo xã, Trưởng thôn quyết liệt hơn, công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các chính sách vốn, quản lý vốn cũng tốt hơn.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện, các chương trình tín dụng được triển khai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương như kế hoạch giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… Qua đó, hoạt động của NHCSXH ở cơ sở thuận lợi hơn, chất lượng tín dụng được nâng cao. Kể từ khi Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện có thêm Chủ tịch UBND xã, các biện pháp quản lý vốn như đôn đốc, vận động, ký cam kết trả nợ… được thực hiện quyết liệt hơn; tuyên truyền, triển khai chính sách vốn nhanh hơn. Đối với việc bình xét đối tượng vay, Chủ tịch UBND xã chỉ đạo sát sao các thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc phối hợp bình xét công khai, dân chủ hơn, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng. Nhờ công tác phối hợp tốt từ chính quyền, các hội, đoàn thể cơ sở, NHCSXH các huyện cũng xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn nhanh và chính xác hơn. Hiện, các xã đang phối hợp tuyên truyền và triển khai cho vay 4 chương trình tín dụng được giao tăng nguồn vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Bài và ảnh Đinh Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác