Đồng bào DTTS ở Lai Châu sử dụng vốn vay hiệu quả
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng A So, dân tộc Mông ở bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên, anh cho biết: “Trước đây, cuộc sống vợ chồng tôi vất vả, khó khăn lắm bởi do đất sản xuất ít, lại không có vốn đầu tư phát triển làm ăn. Năm 2005, tôi mạnh dạn vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Than Uyên để đầu tư vào trồng 2ha cây thảo quả. Hai vợ chồng dựng lán bên đồi thảo quả để ở tiện cho việc chăm sóc, bảo quản. Đất không phụ công người, lứa đầu tiên gia đình tôi thu nhập từ thảo quả hơn 40 triệu đồng. Đến nay, tôi đã mở rộng gần 10ha thảo quả. Cứ lấy ngắn nuôi dài, có vốn tôi lại đầu tư mua máy xay xát gạo, dịch vụ bán hàng tạp hóa phục vụ bà con. Năm 2013, tôi tiếp tục vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện xây chuồng trại chăn nuôi lợn, cải tạo trên 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp của gia đình để trồng lúa, ngô và rau màu các loại. Trừ chi phí, bình quân thu nhập mỗi năm cũng được 100 triệu đồng”.
Gia đình anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cũng thoát nghèo và trở thành hộ khá giàu của xã Tả Lèng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào DTTS. Anh Sinh tâm sự: “Ruộng đất ít, nên dù rất chăm chỉ, hàng năm vợ chồng tôi vẫn phải ăn rau và củ mài vào những tháng giáp hạt. Từ ngày NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã tập trung vào trồng trọt, đào ao, thả cá với tổng diện tích trên 6.000m2, hàng năm bán ra thị trường vài tấn cá, thu về khoảng hơn 100 triệu đồng”. Không chỉ có anh So, anh Sinh mà còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo trong tỉnh Lai Châu được vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Hiện nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Lai Châu đạt 1.264 tỷ đồng, với 46.067 hộ vay. Nói về đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được đồng bào DTTS trong tỉnh Lai Châu sử dụng ra sao, Giám đốc Lê Xuân Hùng cho biết: “Nguồn vốn cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của bà con. Bà con sử dụng vốn khá hiệu quả, làm thay đổi hẳn cuộc sống của chính họ. Để làm được điều đó, không chỉ có sự nỗ lực của đơn vị mà còn có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác mới triển khai thành công, hiệu quả như ngày hôm nay”.
Ngọc Duy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Điểm tựa cho người nghèo
- » Bến Tre “đồng khởi” giảm nghèo
- » “Cú huých” giúp hô cận nghèo ở Tiền Giang đổi đời
- » Tín dụng chính sách ở xứ Trầm Hương
- » Cần thêm vốn để giải bài toán việc làm
- » “Tặng” những nụ cười cho người dân bản nghèo
- » Khi Chủ tịch xã tham gia quản lý vốn ưu đãi
- » Góp sức giảm nghèo, làm giàu giữa vùng nội đô và ngoại ô
- » NHCSXH nhận giải thưởng của Celent