Điểm tựa cho người nghèo

09/05/2016
(VBSP News) Trong nhiều năm qua, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Những đồi chè bạt ngàn, cánh đồng mía thẳng tắp, xanh tươi nhờ nguồn vốn ưu đãi đã mang lại sự thay đổi trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nhưng tập quán lạc hậu và tư duy sản xuất nặng kiểu “tự cung tự cấp” được khắc phục để thoát nghèo một cách bền vững.
Người nghèo ở Cao Bằng nuôi trâu từ nguồn tiền vay của NHCSXH Ảnh: Tư liệu

Người nghèo ở Cao Bằng nuôi trâu từ nguồn tiền vay của NHCSXH
                                                                                                                                       Ảnh: Tư liệu

Gia đình chị Hứa Thị Loan ở xóm Yên Luật 1, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) năm 2013 được vay 30 triệu đồng hộ nghèo để nuôi trâu, lợn và vịt đẻ trứng, nhờ đầu tư đúng hướng và áp dụng KHKT đúng cách nên các giống vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu lãi hơn 50 triệu đồng. Chị Loan chia sẻ: “Nhờ vốn vay ưu đãi cùng thủ tục vay đơn giản đã giúp tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định”.

Cũng tại xóm Yên Luật 1, gia đình anh Nông Văn Hải, Hoàng Văn Ngọc cũng được vay vốn NHCSXH để đầu tư chăn nuôi trâu, lợn và gia cầm, hiện nay cuộc sống đã ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả và đang tích cực trả nợ, lãi cho ngân hàng. Ông Hứa Thế Khoan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết: “Tổ có 58 thành viên, đang còn dư nợ từ NHCSXH 1,4 tỷ đồng. Phần lớn bà con vay về đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng, Dương Tiến Thanh, khẳng định: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chi nhánh đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 2.949 tỷ đồng, cho 260 nghìn lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 1.921 tỷ đồng, có 63.909 hộ vay và hơn 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 38,06% năm 2011, xuống còn khoảng 20 % vào cuối năm 2015”.

Thanh Thúy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác