Bến Tre “đồng khởi” giảm nghèo

09/05/2016
(VBSP News) Bến Tre - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang thay đổi từng ngày, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân cũng được cải thiện hơn. Trong thành tích chung đó có sự giúp sức rất lớn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Nghề đan lục bình đã giúp nhiều hộ dân vùng nông thôn Bến Tre thoát nghèo

Nghề đan lục bình đã giúp nhiều hộ dân vùng nông thôn Bến Tre thoát nghèo

Là tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, trong những năm gần đây cơ cấu kinh tế của Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 15,6% năm 2011 giảm xuống còn gần 6%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo cả nước.

Có được kết quả trênBến Tre đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết, chú trọng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm… đến cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành; đặc biệt chú trọng các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Chương trình giảm nghèo được gắn kết với việc triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Những năm qua, ở tỉnh Bến Tre đã triển khai hiệu quả công tác cho người nghèo vay vốn theo tổ nhóm. Đồng thời xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người nghèo nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Mô hình giảm nghèo được nhắc đến nhiều nhất ở Bến Tre là mô hình do Hội CCB khởi động và thực hiện. Điển hình mô hình “5+1” được thực hiện bằng cách vận động 5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, hội tương trợ, tạo việc làm… Trong đó, các CCB được phân công giúp đỡ những CCB nghèo là những cán bộ hội viên gương mẫu, tâm huyết, luôn bám sát từng hội viên CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Để hỗ trợ về vốn, Hội CCB đứng ra tín chấp với NHCSXH giúp họ vay được vốn mở rộng sản xuất và sớm thoát nghèo.

Từ mô hình “5+1”, Hội CCB tỉnh Bến Tre đã giúp cho gần 1.000 hộ CCB thoát nghèo và hàng nghìn hộ CBB vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong CCB từ 6,38% cuối năm 2012 còn 2,32% cuối năm 2014. Cuối năm 2015, cơ bản không còn hộ nghèo. Hiện tại, tỉnh Bến Tre có 29.700 hội viên CCB gương mẫu.

Ngoài mô hình “5+1” của Hội CCB, tại các huyện, thị xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, như: Câu lạc bộ nuôi bò, nuôi dê, phát triển kinh tế hộ ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm;dự án“Cải thiện sinh kế hộ nghèo” tại huyện Bình Đại.

Tiêu biểu trong phong trào giảm nghèo bền vững của Hội Phụ nữ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, có gia đình chị Nguyễn Thị Mến ở ấp Xẻo Sâu. Năm 2011, được Hội Phụ nữ huyện đứng ra tín chấp với NHCSXH, gia đình chị được vay 8 triệu đồng mua 1 con bò cái. Sau 4 năm cật lực phấn đấu để đồng vốn vay sinh sôi, đến nay, gia đình chị Mến không những đã hoàn trả đầy đủ vốn vay ngân hàng, mà còn “lãi” 2 con bò giống, một con bên, mở được xưởng mộc tại gia đình, tạo điều kiện cho các con ăn học. Bản thân chị Mến được chị em tín nhiệm bầu giữ chức chi hội trưởng phụ nữ ấp gương mẫu. Đó là một trong muôn vàn câu chuyện thoát nghèo bền vững ở xứ dừa từ vai trò của “đội quân tóc dài” thời hội nhập.

Đóng vai trò là đơn vị chủ lực trong cho vay các chương trình ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bến Tre cho biết: 13 năm qua, đơn vị đã tập trung nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân nghèo giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo theo hướng bền vững. Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt trên 4.100 tỷ đồng với gần 448.335 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đạt 1.711 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần giúp 41.054 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho gần 1.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 7.681 hộ sản xuất vùng khó khăn vay vốn phát triển SXKD,…

Tuy nhiên, nhìn tổng quan Bến Tre vẫn còn là tỉnh nghèo, với trên 44 nghìn hộ nghèo, trình độ phát triển còn thấp, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác giảm nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định: “Phát động phong trào “Đồng khởi”, tự lực, tự cường tạo sự chuyển biến đột phá trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển gắn với phát triển văn hóa và xây dựng con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm”.

Theo Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre, để phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững giai đoạn tới, Bến Tre đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, cũng như việc phát huy tiềm năng, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó đầu tư vào mô hình làm ăn hiệu quả. Song song đó, phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác