Động lực chính giảm nghèo ở nơi “đất chật, người đông”

10/05/2016
(VBSP News) Trước đây, Lý Nhân được xem là nơi nổi tiếng rất sớm không chỉ của tỉnh Hà Nam mà ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nơi đây biết tuyển chọn nhiều loại giống lúa tốt, năng suất cao như nếp cái Hoa vàng, nếp Quýt, Tám thơm... Lại thêm có nguồn nước phù sa màu mỡ từ các con sông Hồng Hà, Châu Giang, Long Xuyên mang lại, song miền quê “đất chật, người đông” này vẫn là thuần nông, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, nên còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn đã khác nhiều là nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua NHCSXH để cho vay đến người nghèo và các đối tượng chính sách.
Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp mở rộng xưởng sản xuất cơ khí, tạo việc làm ổn định cho gia đình và 4 lao động trong vùng

Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp mở rộng xưởng sản xuất cơ khí, tạo việc làm ổn định cho gia đình và 4 lao động trong vùng

Giám đốc NHCSXH huyện Lý Nhân, Lê Thị Kim Dung cho biết: Ngay từ khi NHCSXH huyện Lý Nhân đi vào hoạt động, xuất phát từ thực trạng của địa phương,  đơn vị đã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chú trọng phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai công tác huy động nguồn vốn chính sách, đồng thời tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn về tận làng xóm, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đó cũng chính là nguyên nhân chủ yếu làm nên kết quả hoạt động của đơn vị, cụ thể đã tăng trưởng dư nợ từ 41 tỷ đồng vào thời điểm năm 2003, đến nay đạt trên 344 tỷ đồng với 13.835 hộ vay vốn từ 8 chương trình tín dụng chính sách và nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,17% tổng dư nợ, đặc biệt đến 30/4/2016, toàn huyện có 5/22 xã gồm Công Lý, Chân Lý, Hợp Lý, Nhân Mỹ và Xuân Khê đã xây dựng thành công mô hình xã không có nợ quá hạn.

Cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tăng trưởng dư nợ, NHCSXH huyện Lý Nhân còn phối hợp nhịp nhàng với các hội, đoàn thể thực hiện nghiêm túc hợp đồng uỷ thác vay vốn chính sách. Củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới 413 Tổ tiết kiệm và vay vốn và xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại 23 xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, vốn chính sách đã được ưu tiên đầu tư kịp thời cho các làng quê, hộ dân nghèo khó hơn, các xã điểm về xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, các Điểm giao dịch xã ở huyện Lý Nhân luôn duy trì hoạt động, bất kể thời tiết mưa nắng thất thường hay thời gian ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Tại Điểm giao dịch, các Tổ giao dịch đã thực hiện quy trình nghiệp vụ đúng theo quy định. Các chính sách mới, các thông tin mới về tín dụng chính sách đều được công khai đầy đủ trên bảng tin và trong cuộc họp giao ban. Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, do quán triệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhiều đồng chí Bí thư Đảng bộ cấp huyện, cấp xã thường xuyên, trực tiếp hàng tháng về Điểm giao dịch của NHCSXH tham gia động viên, kiểm tra việc vay vốn, trả nợ của bà con nông dân, do đó đã góp phần nâng tỷ lệ giao dịch tại Điểm giao dịch xã đạt 97,8% và tỷ lệ cho vay, thu nợ, lãi đạt xấp xỉ 98,5%.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Hợp Lý, Nguyễn Văn Thân, nhờ có Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH, bà con nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng. Hơn 13 tỷ đồng vốn chính sách đã tiếp sức cho 584 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả các gia đình mới thoát nghèo ở 18 thôn, xóm của xã Hợp Lý thâm canh đồng ruộng, phát triển chăn nuôi, khôi phục mở mang ngành nghề dệt lụa, rèn, mộc. Nhiều hộ nông dân như bà Trần Thị  Phạn, anh Nguyễn Mạnh Cường, chị Vũ Thị Nhị… sử dụng vốn vay chăn nuôi lợn, trồng lúa cao sản, bắp lai, thoát hẳn nghèo, thu lãi hàng năm tới 80 triệu đồng. Điển hình là bà Trần Thị Phạn ở xóm 14, xã Hợp Lý mới ngày nào còn chật vật lo cái ăn, cái mặc nhưng từ năm 2014, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình bà được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để chăn nuôi lợn. Nhờ chịu thương, chịu khó và biết tính toán, sử dụng đồng vốn hợp lý nên bà Phạn đã tạo được một cơ ngơi kha khá có 5 gian chuồng trại, mỗi lứa nuôi tới 30 con lợn thịt.

Cùng ở xã Hợp Lý, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến về tấm gương vượt khó, làm kinh tế giỏi của anh Nguyễn Văn Điệp. Cách đây 3 năm, được Đoàn Thanh niên xóm 8 giúp đỡ, anh Điệp vay nguồn vốn hộ cận nghèo. “Nhờ 45 triệu đồng vốn chính sách tiếp sức, tôi đã có điều kiện đầu tư mua máy móc, thiết bị mở xưởng cơ khí sản xuất các loại công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, thu nhập mỗi năm từ cơ sở của gia đình tôi đạt xấp xỉ 100 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động”, anh Điệp tâm sự.

Ngoài gia đình bà Phạn, anh Điệp, nhiều hộ nông dân ở nơi “đất chật, người đông” Lý Nhân đã và đang biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách. Một số hộ làm ăn phát đạt, trở thành nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, huyện.

Để hoạt động tín dụng chính sách ở một vùng thuần nông phát triển bền vững, hiệu quả, NHCSXH huyện Lý Nhân tăng cường thực hiện cho vay uỷ thác qua các hội, đoàn thể; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch tại xã, các tổ tín dụng giao dịch lưu động, các Tổ tiết kiệm và vay vốn; phấn đấu nâng dư nợ các chương trình tín dụng lên khoảng 360 tỷ đồng và giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống còn dưới 0,15% trên tổng dư nợ. 

Bài và ảnh Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác