Phát triển kinh tế từ nguồn vốn giải quyết việc làm

10/05/2016
(VBSP News) Là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa hết sức thiết thực, trong thời gian qua, nguồn vốn từ chương trình giải quyết việc làm (GQVL) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã góp phần trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về GQVL, giảm nghèo bền vững.
Cơ sở đan lát của gia đình bà Trần Thị Hồng Xuyên ở ấp Mỹ Tường 1, xã Mỹ Phú Đông, huyện Phước Long tạo việc làm cho nhiều lao động

Cơ sở đan lát của gia đình bà Trần Thị Hồng Xuyên ở ấp Mỹ Tường 1, xã Mỹ Phú Đông, huyện Phước Long tạo việc làm cho nhiều lao động

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Trương Văn Nô ở ấp Mỹ Trinh, xã Hưng Phú, huyện Phước Long (Bạc Liêu) chỉ sống nhờ vào 5.000m2 ruộng do cha ông để lại. Dù vợ chồng ông làm luôn chân luôn tay suốt hai vụ lúa nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt thường ngày. Đến năm 2010, ông được NHCSXH huyện Phước Long cho vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn, nhờ vốn vay ưu đãi mà dự án nuôi lợn của ông Nô thành công và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện tại, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình đã có gần 100 con. Ngoài ra, ông còn đào ao nuôi cá tra, cá chim và cá rô phi. Bình quân, mỗi năm gia đình ông Nô cũng thu về gần 100 triệu đồng.

Cũng nhờ nguồn vốn vay GQVL của NHCSXH huyện Phước Long, cơ sở đan lát của gia đình bà Trần Thị Hồng Xuyên ở ấp Mỹ Tường 1, xã Mỹ Phú Đông giờ đây đã có quy mô lớn hơn, với hàng chục lao động. Từ nền tảng cơ sở đan lát đã có, chị Trần Thị Hồng Xuyên mạnh dạn vay 100 triệu đồng để mở rộng cơ sở đan lát và tổ chức thu mua sản phẩm của các cơ sở khác để cung cấp cho thị trường. Nhờ sự trợ lực kịp thời của vốn vay NHCSXH, chị Xuyên đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng như mua sắm nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị, nhờ vậy cơ sở đan lát của chị ngày càng hoạt động hiệu quả. Chị Xuyên cho biết: “Nếu không có nguồn vốn vay thì tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Mở rộng quy mô cơ sở đan lát không những nâng cao được hiệu quả lao động, cải thiện thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương”. Hiện, cơ sở đan lát của chị thường xuyên giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, Lê Thanh Võ cho biết: “Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, xác định rõ vai trò thiết thực của nguồn vốn vay GQVL, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát, đối chiếu, xác nhận nợ và tiến hành giao nhận hồ sơ vay để giúp đỡ người dân trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế. Có thể nói, nguồn vốn vay GQVL đã giúp cho nhiều người, nhiều gia đình thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm…”.

Đến nay, tổng doanh số cho vay của chương trình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt trên 72 tỷ đồng, với 4.985 lượt người vay vốn và tạo được việc làm cho 8.688 lao động tại địa phương.

Bài và ảnh Quốc Trường

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác