Chuyển đổi số cho vay tín dụng chính sách
Tiện lợi đôi bên
Năm 2020, bà Lê Thị Hữu ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang được NHCSXH huyện Hòa Vang cho vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Hữu mở rộng diện tích chuồng trại, để phát triển kinh tế. Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình bà Hữu mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 - 7.000 con gà và 100 con heo, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Theo bà Hữu, từ khi NHCSXH triển khai ứng dụng công nghệ số và dịch vụ Smartbanking, tạo thuận lợi cho cả người vay vốn và ngân hàng. Trước đây người dân phải gọi điện hay trực tiếp đến gặp Tổ trưởng Tổ kiết kiệm và vay vốn hoặc cán bộ tín dụng để hỏi về các vấn đề liên quan đến chính sách hay số tiền cần trả cho khoản vay của gia đình… Bây giờ chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể xem số kỳ đóng gốc, lãi đối với khoản vay của gia đình cũng như nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, thành phố đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Yến - Tổ trưởng Tổ kiết kiệm và vay vốn thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho biết: Tổ hiện có 60 thành viên với dư nợ cho vay hơn 2 tỷ đồng. Thời gian trước, các thành viên đều tìm hiểu thông tin vay vốn từ văn bản giấy hoặc đến gặp trực tiếp để được nghe giải thích, hướng dẫn. Nay việc ứng dụng công nghệ số của NHCSXH trên thiết bị di động không chỉ giúp giảm tải nhiều việc cho công tác quản lý mà còn giúp bà con thuận lợi hơn. Các bên vay và cho vay tiết giảm được nhiều thời gian, hạn chế việc phải đến tận nhà hay nơi làm việc để thông tin, trao đổi.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang Trần Văn Hùng, hiện nay, NHCSXH huyện có gần 16.660 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ đạt gần 862 tỷ đồng. Vì vậy, với số lượng khách hàng vay vốn nhiều như hiện nay thì việc triển khai ứng dụng công nghệ số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay lẫn ngân hàng. Bởi thông qua các ứng dụng số của NHCSXH, người dân chủ động nắm bắt thông tin về tiền gốc, lãi hằng tháng mà mình đã trả đến giai đoạn nào và còn cần thanh toán bao nhiêu để có kế hoạch chi trả cho thời gian tiếp theo. Về phía ngân hàng, việc tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành được linh hoạt hơn, các thông tin nhanh chóng truyền tải, tiếp cận người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho vay chính sách
Theo đánh giá của NHCSXH huyện Hòa Vang, sau gần 2 năm triển khai dịch vụ Smartbanking, lượng khách hàng vay vốn chính sách thực hiện giao dịch qua ứng dụng này mới đạt tỷ lệ khoảng 70%. Vì vậy, để tăng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, đặc biệt coi việc triển khai ứng dụng Smartbanking, NHCSXH huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động; tăng cường kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai hướng dẫn đến tổ kiết kiệm và vay vốncũng như khách hàng đang vay vốn tại NHCSXH huyện.
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung, thời gian qua, hệ thống NHCSXH trên toàn địa bàn tích cực triển khai ứng dụng số nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Để việc thực hiện chuyển đổi số của hệ thống được hiệu quả, chi nhánh đã triển khai nhiều chương trình tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách dành cho cán bộ tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và đội ngũ trưởng khu, Tổ trưởng Tổ kiết kiệm và vay vốn… Trong đó, tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến cài đặt, sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động đối với các ứng dụng của hệ thống NHCSXH.
“Song song với việc triển khai dịch vụ Smartbanking, hệ thống NHCSXH tại Đà Nẵng cũng ứng dụng phần mềm IOT trong việc cho vay chính sách tín dụng. Và việc ứng dụng phần mềm này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các Tổ kiết kiệm và vay vốn trong các hoạt động trả lãi, gốc, gửi tiết kiệm…, mà phần mềm còn giúp cán bộ làm công tác quản lý thuận lợi trong điều hành, nắm bắt công việc để có những điều chỉnh kịp thời. Khi phát sinh lãi, nợ quá hạn cao hoặc các phương án tài chính không bảo đảm, NHCSXH sẽ có những chỉ đạo kịp thời để cấp địa phương, cơ sở chủ động, tránh phát sinh các trường hợp xấu”, Giám đốc Đoàn Ngọc Chung cho biết thêm.
Trọng Hùng
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở Hà Tĩnh
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân
- » Nghị quyết số 11 “tiếp sức” cho người dân khôi phục kinh tế
- » Long An tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi thoát nghèo
- » Nông dân Điện Bàn đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản
- » Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người Xơ Đăng vững tin hướng đến tương lai
- » Ký kết ủy thác nguồn vốn địa phương sang NHCSXH
- » Tín dụng chính sách nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc
- » Sóc Trăng: Vốn vay “tiếp sức” mô hình kinh tế, giúp nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo