Long An tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

04/01/2024
(VBSP News) Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và gần 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Long An được nâng lên.
la1

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, nhiều hộ gia đình tỉnh Long An có điều kiện vay vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống

“Phao cứu sinh” của người nghèo
Sau thời gian dài thanh long gặp khó khăn về xuất khẩu, nhiều hộ dân tại huyện Châu Thành đã chuyển sang loại cây trồng khác. Năm 2022, huyện kêu gọi nông dân tạm dừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất thanh long sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng như nỗ lực kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long.
Đặc biệt, UBND huyện ưu tiên tăng nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH huyện lên đến 12 tỷ đồng trong năm 2023. Song song đó, huyện vận động Công ty Cổ phần TICO dành trên 5 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH huyện để cho các hộ gặp khó khăn vay vốn với lãi suất ưu đãi, góp phần hỗ trợ nông dân tái sản xuất thanh long.
Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện đạt trên 40 tỷ đồng, chiếm 10,17% tổng nguồn vốn, tăng 82,86% so với đầu năm 2023. Trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện là 22,5 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 12,6 tỷ đồng, tăng 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương kịp thời hỗ trợ cho 340 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt trên 21,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp trên 300 lao động có việc làm ổn định, hỗ trợ xây dựng 21 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường,…
Đối với chị Tô Thị Hương ở ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tín dụng chính sách như “phao cứu sinh” của gia đình. Chị bị khuyết tật 1 chân, chồng mất, một mình chị nuôi người con trai nên cuộc sống rất khó khăn. Chị Hương trải lòng: “Trước đây, tôi thuộc diện hộ nghèo lại bị khuyết tật nên không đủ khả năng nuôi con đi học. Sau này, tôi được hỗ trợ vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Tôi dùng số tiền này để mua máy may làm việc, trang trải sinh hoạt gia đình. Khi con trai tôi đi học đại học thì được hỗ trợ vay vốn sinh viên. Hiện giờ, con trai tôi đã ra trường, có việc làm ổn định, gia đình tôi cũng đã thoát nghèo. Tôi biết ơn nhiều lắm!”.
Từ chương trình cho vay NS&VSMTNT, giúp nhiều người dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Anh Nguyễn Tấn Phát ở ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cho biết: Trước đây, người dân còn gặp khó về vấn đề nước sạch. Khi có chương trình hỗ trợ này, gia đình anh làm đơn để được hỗ trợ. Thủ tục khá đơn giản, lãi suất thấp, phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế gia đình. Anh đã sử dụng số tiền này để cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt gia đình và xây nhà vệ sinh.
Góp phần cho công tác giảm nghèo

la2

Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ nông dân huyện Châu Thành có điều kiện tái sản xuất thanh long

Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải lãnh, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện được thành lập đủ số lượng, đúng thành phần quy định; hoạt động ngày càng chuyên sâu, đã tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng và chính quyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời ban hành các nghị quyết, bảo đảm nội dung đúng đắn, phù hợp thực tế.
Hàng năm, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, bố trí vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tạo điều kiện, bố trí các địa Điểm giao dịch tại xã, hỗ trợ công tác an ninh trong những ngày giao dịch tại xã để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác được thực hiện đầy đủ, chất lượng ủy thác được nâng cao,…
Đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 5.710 tỷ đồng, tăng 3.558 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 165%). Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 453 tỷ đồng, tăng 363 tỷ đồng (tăng 403%) so với năm 2014,… Giai đoạn 2014 - 2023, đã có 353.669 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; 65.774 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 từ 7,37% xuống còn 2,98% (cuối năm 2015) và giai đoạn 2016 - 2020 từ 4,03% xuống còn 1,16% (cuối năm 2020) và đến tháng 6/2023 theo chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 còn 0,97%. Có trên 28.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho trên 36.000 lao động; xây dựng 305.349 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 785 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác,…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được cho biết: Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách xã hội thực sự phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, 20 xã biên giới của tỉnh không còn thuộc vùng khó khăn, các hộ dân không được tiếp tục vay vốn chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Vì vậy, họ rất cần vay vốn để duy trì phương án sản xuất, kinh doanh nhưng nguồn vốn cho vay tạo việc làm hiện tại chưa thể đáp ứng được.
Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của NHCSXH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng các nguồn vốn cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An, nhất là nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo sinh kế cho người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.

Song Nhi

Các tin bài khác