Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người Xơ Đăng vững tin hướng đến tương lai

03/01/2024
(VBSP News) Hơn 1.000 khách hàng là người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã chủ động vay vốn, tổng cộng gần 100 tỷ đồng, từ NHCSXH để trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế gia đình.
kon tum

Anh A Linh (trái), làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, vay 100 triệu đồng ở Ngân hàng chính sách xã hội huyện để trồng sâm và hiện đang sở hữu gần 5.000 cây sâm Ngọc Linh

Tuyên truyền là then chốt
Tu Mơ Rông là huyện vùng III của tỉnh Kon Tum. Huyện có trên 29.000 người, trong đó người Xơ Đăng chiếm hơn 96% dân số. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhưng hiệu quả thấp, đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn. Ba năm qua, cuộc sống của người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã có nhiều thay đổi.
Đầu năm 2021, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.” Đây là bước ngoặc giúp Đảng bộ, chính quyền và người dân Tu Mơ Rông vững tin hướng đến tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định để cuộc vận động trên hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền theo cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Cán bộ, đảng viên đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn, phải ra tận nương, rẫy của dân. Phương châm thực hiện là mưa dầm thấm lâu, cầm tay chỉ việc, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo của đồng bào.
Để giúp dân hiểu, huyện Tu Mơ Rông đã cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền của Cuộc vận động như “10 biết đối với nhân dân”, “10 cần đối với cán bộ, đảng viên…” Cùng đó, chính quyền các xã cùng người có uy tín, kinh nghiệm làm kinh tế giỏi đến nương rẫy, hướng dẫn trực tiếp cho dân.
Anh A Tư ở xã Đăk Hà cho biết: “Trước đây, bà con phát rừng, đốt nương làm rẫy, trồng mỳ… nhưng hiệu quả không cao. Người dân được tuyên truyền nhiều lần phải thay đổi cách làm, nhưng không ai dám vì sợ. Khi cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, lên rẫy chỉ cụ thể, người dân tự tin, làm theo. Giờ đây, mọi người mạnh dạn chuyển đất rẫy sang trồng rừng, các loại cây khác, hiệu quả hơn”.
Từ chặt, phá rừng làm rẫy, người dân đã chú trọng giữ, bảo vệ và phát triển rừng. Trong hai năm qua, Tu Mơ Rông đã trồng mới, phủ xanh gần 200ha đất. Sở hữu gần 10ha đất rẫy, anh A Hai ở thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà được vận động, hỗ trợ, giúp đỡ của xã đã chuyển rẫy thành rừng trồng.
Kỳ vọng ở tương lai
Sau gần ba năm, 1/4 số hộ dân tộc thiểu số trong huyện Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin hơn. Cùng đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đang nỗ lực, tìm mọi nguồn lực giúp người dân.
Huyện thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực giúp dân, trong đó chú trọng tận dụng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng phát triển dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh.
Người Xơ Đăng ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ngoài việc được trả lương, hỗ trợ lương thực, mỗi năm, người dân còn được các công ty hỗ trợ cây sâm Ngọc Linh giống để trồng. Từ kinh nghiệm trồng, chăm sóc sâm cho doanh nghiệp, được hỗ trợ cây giống, người dân đã tự chủ trong việc trồng, phát triển sâm. Đến nay, tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đã được hơn 1.200ha, người dân trồng gần 34ha (năm 2023 trồng gần 6ha); gần 200ha sâm dây; hơn 266ha dược liệu khác.
Từ thay đổi trong nhận thức, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã chủ động vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vay 50 triệu năm 2018 để mua 40 cây sâm Ngọc Linh ba năm tuổi, kết hợp với bán trâu bò đầu tư trồng sâm, đến nay, anh A Sơn ở làng Pu Tá xã Măng Ri đã sở hữu vườn sâm Ngọc Linh với 3.000 cây.
Anh A Sơn cho biết: “Sâm mua đã ba năm tuổi. Sau một năm, cây cho thu bói hạt. Tôi lấy hạt để ươm. Giờ cây cho hạt nhiều để ươm, bán. Trong hai năm qua, tiền bán hạt mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ngoài trồng sâm Ngọc Linh, tôi trồng thêm cây mỳ (sắn), sâm dây để có thu nhập nuôi gia đình khi đợi sâm Ngọc Linh thu hoạch.
Cùng quan điểm lấy ngắn nuôi dài, lấy sâm dây (trồng 1ha), cà phê có sẵn, kết hợp vốn vay anh A Bột ở xã Măng Ri đã sở hữu vườn sâm hàng tỷ đồng.
“Năm 2015, tôi xuất ngũ có gần 30 triệu đồng. Thêm vốn tự có, tôi mua gần 70 cây sâm giống để trồng. Khi sâm cho hạt, tôi tiếp tục gieo. Đến năm 2022, tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng để mua thêm cây giống để mở rộng vườn sâm. Hạt ngoài để ươm, tôi còn bán cho người dân”, A Bột cho biết.
Theo thống kê của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông, đến nay, tổng dự nợ cho vay trồng cây dược liệu gần 100 tỷ đồng với trên 1.000 khách hàng vay vốn, chủ yếu là trồng sâm Ngọc Linh.
Giám đốc Phòng Giao dịch Trương Quang Tri cho biết: Người dân Tu Mơ Rông đã thay đổi nhận thức rất nhiều trong phát triển kinh tế gia đình. Họ mạnh dạn vay vốn để trồng và phát triển các loại cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Qua kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, cây sâm phát triển tốt, có hiệu quả. Các trường hợp vay vốn đều thực hiện đúng hợp đồng.
Nỗ lực của chính quyền đã giúp người Xơ Đăng ở huyện nghèo Tu Mơ Rông có thành quả ban đầu. Số hộ dân sở hữu vườn sâm riêng ngày một tăng nhanh. Mọi người hỗ trợ, giúp nhau kỹ thuật ươm, trồng sâm.
Nhận thức dân đã thay đổi, cùng đó, các chính sách hỗ trợ thiết thực, bền vững của chính quyền, doanh nghiệp đã giúp dân tự tin hơn.
“Phải làm sao cho người dân là người chủ sở hữu, huyện đã kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ, liên kết, dẫn dắt người dân để phát triển, mở rộng vùng trồng, để cây sâm Ngọc Linh trở thành một sinh kế, là định hướng giúp dân thoát nghèo, làm giàu bền vững ở tương lai”, ông Võ Trung Mạnh khẳng định.
Một chủ trương đúng, với cách làm hiệu quả, thiết thực của chính quyền cùng nỗ lực của dân, người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đang vững tin hướng đến tươi lai với cuộc sống no ấm hơn.

Cao Nguyên

Các tin bài khác