Thái Nguyên triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách

19/12/2023
(VBSP News) Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của Chính phủ và NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
ong-chu-van-quan20231219101156

Mô hình VAC của gia đình ông Chu Văn Quân đem lại thu nhập ổn định

Hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh
Thái Nguyên là địa phương có độ mở giao thương cao nên những khó khăn từ kinh tế trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, giúp doanh nghiệp và người dân, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ vay vốn, ưu đãi tín dụng để từng bước khắc phục khó khăn trước mắt cũng như tái đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của chi nhánh, đến hết tháng 11, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 4.572 tỷ đồng đồng, tăng hơn 430 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong năm 2023, chi nhánh được Trung ương giao tăng trưởng nguồn vốn trung ương là 483,976 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng 11,68%), nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 32,797 tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2023, nguồn vôn cho vay hộ nghèo trên địa bàn tăng trưởng là 38,656 tỷ đồng; Cho vay hộ mới thoát nghèo tăng trưởng là 48,324 triệu đồng; Cho vay giải quyết việc làm tăng trưởng là 274,354 tỷ đồng… Tổng số tồn chưa giải ngân là 66,897 tỷ đồng, trong đó, số tồn chưa giải ngân các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 58,715 tỷ đồng.
Ông Chu Văn Quân ở xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên cho biết, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo phải đi làm ăn xa. Năm 2017, cùng với chính sách dồn điền đổi thửa, gia đình anh quyết định trở về quê hương đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn ao chuồng. Khởi đầu, anh đầu tư chăn nuôi lợn kết hợp với nuôi cá và đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm đại dịch COVID-19 xảy ra và nhiều dịch bệnh khác ập đến khiến việc phát triển chăn nuôi bị gián đoạn.
Trong bối cảnh khó khăn đó, gia đình được hỗ trợ nguồn vốn kịp thời 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để tiếp tục mua con giống và thức ăn chăn nuôi duy trì sản xuất. Từ nguồn vốn được vay, gia đình đã đầu tư đa dạng giống vật nuôi như ngỗng, gà, thỏ, dê, cá quả…
Theo ông Quân, nguồn vốn vay từ NHCSXH giúp gia đình đủ thời gian quay vòng sản xuất. Mặc dù số tiền vay không nhiều nhưng trong giai đoạn khó khăn thì đồng vốn đã giúp cho gia đình anh duy trì được việc chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt là từ sự động viên kịp thời cũng như sự truyền đạt kinh nghiệm của những cán bộ của NHCSXH và Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm đã giúp cho gia đình quyết tâm phát triển kinh tế. Đến nay, những thành quả đó đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình ông Quân khi mà đàn vật nuôi đã cho giá trị kinh tế cao. Hiện gia đình đã thoát nghèo và tạo việc làm cho một số lao động địa phương cũng như hỗ trợ các gia đình khác về con giống và thức ăn chăn nuôi…
Cùng nhận được nguồn vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình ông Hoàng Văn Lịch ở xóm Cương Lăng đã quyết định bỏ trồng giống chè hạt năng suất thấp sang trồng chè lai F1 cho năng suất cao hơn. Sau thời gian giống chè mới cho thu hoạch đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với giống chè hạt trước đây. Với giá chè hiện tại gia đình đang bán 500 nghìn đồng/kg chè khô, mỗi năm gia đình cũng có tổng thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng thông qua hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả. Hàng năm, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc thực hiện sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm giúp hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Cương Lăng Bùi Thị Ngân chia sẻ: Tổ gồm 24 thành viên chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, NHCSXH đã có những hỗ trợ rất kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, giải quyết việc làm của bà con. Đồng thời cũng thường xuyên có những lớp tập huấn về hoạt động nghiệp vụ của tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như những kiến thức về sản xuất, kinh doanh để truyền đạt lại cho các hội viên. Qua đó, giúp đỡ các hội viên phát triển sản xuất và thu nhập ổn định.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

ong-hoang-van-lich20231219101159

Giống chè lai F1 của gia đình ông Hoàng Văn Lịch cho năng suất cao

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Thịnh cho biết: Trong những năm qua, để góp phần tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, chi nhánh đã triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ vay vốn, ưu đãi tín dụng.
Đặc biệt, để đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng có nhu cầu, kịp thời phát huy hiệu quả, Chi nhánh đẩy mạnh phương thức cho vay ủy thác qua kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc nâng cao hiệu quả chính sách là chủ trương lớn của tỉnh. Trong năm 2023, chi nhánh đã tham mưu Ban cán sự Đảng UBND đề xuất Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày 5/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên chính thức ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để hoạt động tín dụng chính sách thực sự là công cụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chú trọng nguồn lực để thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW; Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; xác định hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025); góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để ủy thác qua NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Trước nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Thịnh cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục rà soát các chương trình tín dụng đang thực hiện, đặc biệt là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản suất kinh doanh vùng khó khăn để có những giải pháp đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và ổn định chất lượng tín dụng tại đơn vị. Giải ngân kịp thời nguồn vốn thực hiện chương trình Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đồng thời, tăng cường thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP…

Bài và ảnh Nguyễn Minh

Các tin bài khác