Bến Tre cho vay hơn 555,2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

19/12/2023
(VBSP News) Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre đã thực hiện giải ngân 555,2 tỷ đồng cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với 11.775 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 24,1 tỷ đồng đồng với 30 lượt khách hàng.
ben tre

Lao động nông thôn tỉnh Bến Tre được hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng chính sách mở rộng sản xuất, kinh doanh

UBND tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo về kết quả triển khai các chính sách hỗ tài khóa, tiền tệ theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn địa phương. Theo đó, các nội dung hỗ trợ về lãi suất, cho vay tín dụng ưu đãi theo các chỉ đạo của Chính phủ, như Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP đều đạt những kết quả khá tích cực.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, NHNN chi nhánh tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, làm việc với từng khách hàng, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hưởng chính sách. Kết quả, đến cuối năm 2023 đã có trên 180 khách hàng được rà soát, sàng lọc đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng tại Bến Tre đã giải ngân cho vay đối với 15 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ trên 14,2 tỷ đồng. Những khách hàng còn lại chưa có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.
Đối với hoạt động hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre, tính lũy kế từ khi triển khai thực hiện chương trình đến ngày 30/10/2023, chi nhánh đã hỗ trợ khách hàng với số tiền lãi lũy kế là hơn 40,8 tỷ đồng với trên 60.100 khách vay được hỗ trợ.
Thời gian vừa qua, hoạt động cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm tại chi nhánh NHCSXH tỉnh có mức tăng trưởng nhanh sau khi được bổ sung 250 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ việc làm, hoạt động cho vay ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Đồng thời, chi nhánh đã thông qua Đề án Tập trung huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, địa phương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 phấn đấu huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt gần 4.800 tỷ đồng và nâng lên mức 7.800 tỷ đồng vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lần lượt đạt tương ứng 454 tỷ đồng (năm 2025) và gần 1.200 tỷ đồng (năm 2030).

Bài và ảnh Thạch Bình (Báo Đồng Khởi)

Các tin bài khác