Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho nông nghiệp, nông thôn

27/07/2023
(VBSP News) Đó là nội dung của kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp chi nhánh “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Bến Tre”, do Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre Ngô Thị Thanh Tâm làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học NHCSXH xếp loại Khá.
4f83177e1f51cc0f9540

Các đại biểu tại điểm cầu Bến Tre chúc mừng nhóm nghiên cứu

Tham dự buổi nghiệm thu trực tuyến có Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu NHCSXH và các ủy viên Hội đồng nghiệm thu.
Đề tài của nhóm nghiên cứu dựa trên cơ sở kết quả về lĩnh vực nông nghiệp, nông tỉnh Bến Tre thời gian qua, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2022 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua quá trình thu thập, nghiên cứu, tài liệu tham khảo, sử dụng phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp… từ các báo cáo, kết quả điều tra, phỏng vấn, nhóm nghiên cứu đề tài đã đánh giá hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Giai đoạn 2018 - 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2.966 tỷ đồng chiếm 87,73% tổng dư nợ, với 117.288 hộ vay vốn (chiếm 94,78% tổng số hộ vay của chi nhánh). Toàn tỉnh đã có 20.433 hộ thoát nghèo ở khu vực nông thôn, xây dựng 72.487 công trình NS&VSMT, giải quyết việc làm cho 12.263 lao động, đáp ứng vốn cho 11.301 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 376 thương nhân sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ xây dựng 477 căn nhà ở cho hộ nghèo. Dư nợ bình quân cho vay của các đối tượng tăng qua các năm (năm 2022 tăng 10 triệu đồng so năm 2018, tỷ lệ tăng 61,33%) chứng tỏ hộ vay đã tin tưởng vào tín dụng chính sách xã hội, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn ưu đãi đã được chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng tại 100% xã, vùng nông thôn. Từ đó, làm thay đổi tình hình đói nghèo và diện mạo nông thôn một cách nhanh chóng; từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân địa phương, giúp họ thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mặc dù đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng. Việc quản lý nguồn vốn của các cơ quan quản lý chưa thống nhất, hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn chưa cao. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạn hán, thiên tai lũ lụt và dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho con người và sản xuất dẫn đến nguy cơ tái nghèo và giảm nghèo thiếu bền vững; một số hộ vay sử dụng vốn vay chưa hiệu qủa, dẫn đến việc thu hồi nguồn vốn cho vay gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách.  
Từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong đầu tư cho vay tại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bến Tre trong tình hình mới, theo từng nhóm giải pháp áp dụng cho từng chủ thể liên quan.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Nhóm nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong giai đoạn tới. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc những ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu.
Đề tài đã đạt được Hội đồng Khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Khá.

PV

Các tin bài khác