Giải pháp nâng cao tín dụng chính sách tại các xã vùng biên

27/07/2023
(VBSP News) Hội đồng khoa học NHCSXH vừa tổ chức nghiệm thu trực tuyến đề tài nghiên cứu khoa học cấp chi nhánh “Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại các xã vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Long An” do Giám đốc chi nhánh Nguyễn Trọng Điệp làm Chủ nhiệm đề tài. Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cùng các Ủy viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm đào tạo.
18128857717ba225fb6a

Các đại biểu tại điểm cầu Long An chúc mừng nhóm nghiên cứu

Trong những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An đã thực hiện tốt các chương trình tính dụng chính sách đến 100% các ấp, khu phố tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Các chương trình tín dụng là đòn bẩy tài chính quan trọng giúp khách hàng vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng quy mô đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết tốt việc làm tại chỗ, từng bước cải thiện đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân vùng biên giới góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng; bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi đáng kể, đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa dần được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn chênh lệch khoảng cách đời sống và trình độ phát triển giữa vùng biên giới với mức bình quân chung của các vùng khác; cơ sở hạ tầng khu vực biên giới phát triển chưa đồng bộ, một bộ phận nhân dân trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn; giá cả nông sản từng thời điểm không ổn định, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh; gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân tại các xã vùng biên giới.
Trên cơ sở thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An giai đoạn 2017 - 2022 , nhóm nghiên cứu đề tài đã tập trung phân tích, tổng hợp, kết hợp việc khảo sát, phỏng vấn khách hàng vay vốn với tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cấp xã về hiệu quả và tác động trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo, giải việc việc làm, xây dựng nông thôn mới và thực hiện hoàn thành đề án phát triển kinh tế vùng biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, doanh số cho vay các xã vùng biên đạt hơn 985 tỷ đồng, với 32.194 lượt khách hàng vay vốn, bình quân 30,6 triệu đồng/hộ. Đến 30/12/2022, dư nợ tín dụng chính sách tại các xã vùng biên là 679 tỷ đồng, với 21.770 khách hàng vay, bình quân món vay là 31,2 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách vùng biên giới, nhất là tại một số chương trình tín dụng có nhu cầu lớn như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, NS&VSMTNT, nhà ở xã hội. Ngân sách địa phương còn hạn chế nên các địa phương chưa thể ưu tiên, tập trung phân bổ nhiều nguồn vốn cho vùng biên giới.
Từ những tồn tại, hạn chế đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến nghị để việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại các xã vùng biên giới nói riêng và tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An đạt được nhiều kết quả cao hơn, với mục tiêu nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng đối với các xã vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Long An.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong hoạt động tín dụng chính sách tại các xã vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Long An, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng biên giới, củng cố an ninh, quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài.
Đề tài đã đạt được Hội đồng khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Khá.

PV

Các tin bài khác