Cùng các CCB A Lưới phát triển kinh tế

27/07/2023
(VBSP News) Sát cánh trong thời chiến, kề vai trong thời bình và cùng nhau hướng về những mục tiêu tốt đẹp trong cuộc sống là những giá trị cao quý của những người lính Cụ Hồ nói chung và của những CCB huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) nói riêng. Tinh thần đoàn kết ấy được tiếp thêm sức mạnh từ những chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước, trong đó có chương trình tín dụng chính sách và Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
CBNH-và-Hội-thăm-mô-hình-trồng-rừng--Trần-Xuân-Thanh-02-(1)

Ông Trần Xuân Thanh (đầu tiên bên phải) giới thiệu rừng keo với cán bộ NHCSXH huyện A Lưới

“Vốn  nhỏ” - hiệu quả “không nhỏ”
Ông Nguyễn Piu Ny, hội viên CCB xã A Roàng Thôn Ka Lô, xã A Roàng, huyện A Lưới đã vươn lên, trở thành hộ gia đình khá giả nhất trong thôn bằng chính nguồn vốn vay của NHCSXH huyện A Lưới.
Năm 2015, Ông Nguyễn Piu Ny thuộc hộ nghèo của xã A Roàng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tháng 7 năm 2015 gia đình ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Nguyễn Piu Plooc làm Tổ trưởng và Hội CCB xã A Roàng bình xét cho vay chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng để trồng 3ha rừng keo. Đến năm  2018, gia đình ông Nguyễn Piu Ny thoát nghèo. Sau 5 năm, cây keo phát triển thuận lợi, gia đình ông Ny bán keo, trả hết nợ NHCSXH huyện A Lưới và còn dư hơn 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Piu Ny tiếp tục đầu tư thêm 02ha rừng trồng keo và 05 con lợn. Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Piu Ny được Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội CCB xã A Roàng tiếp tục bình xét cho vay 50 triệu đồng chương trình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, ông mạnh dạn đầu tư thêm 2ha rừng keo và mua thêm 10 con lợn rừng giống. Đến nay, gia đình ông Nguyễn Piu Ny đã có 7ha rừng keo và 37 con heo rừng. Mô hình của Ông Nguyễn Piu Ny có hiệu quả nhất trong xã và được huyện A Lưới chọn là một trong những mô hình đang nhân rộng để bà con trong thôn, xã học hỏi. Hằng năm thu nhập từ bán rừng và heo khoảng 170 triệu đến 200 triệu đồng.
Tương tự, mô hình chăn nuôi dê, bò kết hợp trồng rừng của ông Trần Xuân Thanh - hội viên CCB xã Hồng Vân, thôn Ca Cú 2, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Trần Xuân Thanh là một trong những gia đình hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn. Tháng 10/2007, ông là một trong những hộ được UBND huyện A Lưới hỗ trợ và được NHCSXH huyện A Lưới cho vay 4 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm chăn nuôi, được UBND huyện hỗ trợ về kỹ thuật, thuốc thú y… gia đình đã bớt dần khó khăn. Năm 2011 gia đình ông tiếp tục được bình xét cho vay 8 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà ở từ chương trình cho vay Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Không phụ lòng của chính quyền, Hội CCB và NHCSXH huyện A lưới, ông Thanh tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi và trồng rừng và thoát nghèo vào cuối năm 2013. Năm 2016, ông Thanh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và liên tiếp thành công với mô hình chăn nuôi, trồng rung của mình; trở thành CCB tiêu biểu của huyện A Lưới. Hiện tại với tổng diện tích 10ha rừng trồng; gần 40 bò, dê, đã mang lại  cho gia đình ông Thanh thu nhập từ 180 triệu đến 200 triệu đồng/năm.
Phối hợp chặt chẽ từng nội dung
Để có được những kết quả tích cực trong việc hỗ trợ hội viên CCB nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, Hội CCB các cấp huyện A Lưới đã phối hợp chặt chẽ và triển khai nhận ủy thác nguồn vốn chính sách ở NHCSXH huyện. Tổ chức cho hội viên vay vốn, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thực hiện các công trình nước sạch vệ sinh môi trường, chăm lo học hành cho thế hệ trẻ từ nguồn vay vốn học sinh, sinh viên…., góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới Lê Anh Miêng cho biết, Hội CCB huyện đang quản lý 32 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.237 hộ vay (tăng 98 hộ vay so với cuối năm 2022), với tổng dư nợ 58,1 tỷ đồng (tăng 6,1 tỷ đồng so với cuối năm 2022). Có 18/18 xã đã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH huyện. Để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác bình xét, thẩm định, phê duyệt, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động là khâu quan trọng nhất, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên và hoạt động ủy thác ngày càng hiệu quả, nợ quá hạn chỉ có 15 triệu đồng.
Ông Miêng chia sẻ thêm, điều đáng mừng là đa số người dân ở A Lưới vay bao nhiêu, làm gì đều được tính toán và bình xét trước, có sự giám sát của tổ chức Hội nên nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, bà con chịu khó làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích nên nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Như trường hợp của CCB Nguyễn Piu Ny chẳng hạn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 1971, ông Nguyễn Piu Ny theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia vào dân quân du kích tại địa bàn xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục cống hiến cho quê hương, tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB và tham gia góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bản thân gia đình. “Đây là CCB gương mẫu và là điển hình của Hội chúng tôi”, ông Miêng tự hào nói.

Thái Bình - Hà Trung

Các tin bài khác