Những mô hình sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo ở An Giang
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Hội LHPN tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh (SXKD); hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn; tư vấn dạy nghề và giới thiệu việc làm, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả…
Quan tâm, hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình sinh kế, giúp phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Hội còn tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế do hội LHPN các cấp thành lập, để nâng cao chất lượng hoạt động, tạo việc làm cho lao động nữ.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Lê Bích Phượng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn cho 200 thành viên HTX, THT nâng cao năng lực trong công tác quản lý, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động SXKD, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với thị trường; rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, chỉ đạo hội LHPN các cấp rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề. Sau học nghề, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình sinh kế phù hợp”.
Hội LHPN các cấp đã thực hiện phương châm hỗ trợ vốn, đi đôi với trang bị kiến thức SXKD, phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT để tăng hiệu quả sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh hoạt động ủy thác NHCSXH, Hội LHPN tỉnh đã nhận ủy thác 19 chương trình tín dụng, với dư nợ trên 1.310 tỷ đồng. Vận dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đã có hơn 3.750 lượt hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, hơn 10 tỷ đồng đầu tư SXKD, mua bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi…
Hiện, toàn tỉnh có 13 HTX và 117 THT thực hiện mô hình sinh kế đang hoạt động hiệu quả do phụ nữ quản lý, điều hành, với 1.974 thành viên tham gia, như: Tổ phụ nữ đan thảm lục bình xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn), Tổ phụ nữ may gia công xã An Hảo (TX Tịnh Biên), Tổ phụ nữ đan đệm bàng thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn), Tổ phụ nữ đan giỏ ny-lon xã Long Giang và Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới), Tổ chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), Tổ phụ nữ trồng bông điên điển xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú)…
Nhiều mô hình sinh kế hiệu quả
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Lê Bích Phượng chia sẻ: “Một số mô hình sinh kế đang hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, phụ nữ tại địa phương, như: Mô hình Tổ phụ nữ đan đệm bàng tại thị trấn Ba Chúc, do chị Trần Thị Trang làm tổ trưởng. Được sự hỗ trợ về vốn, kiến thức kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của Hội LHPN tỉnh, đến nay chị Trang đã cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm đan từ cỏ bàng. Sản phẩm có giá trị cao, chị Trang nhận đơn hàng liên tục, gần 40 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”.
Mô hình khá nổi tiếng gần đây do chị Châu Thị Nương ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn thực hiện. Từ tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen, đến nay, chị Nương đã xây dựng thương hiệu mang tên “Nấm mối nàng Nương”, không chỉ cung ứng sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường, chị còn cung cấp phôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khách hàng, người dân quanh vùng tự trồng nấm tại nhà. Qua đó, giúp khách hàng vừa được trải nghiệm, vừa có được thực phẩm sạch cho gia đình. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Đây là mô hình tận dụng nguồn phụ phẩm rơm từ sản xuất lúa nông nghiệp, ngoài bảo vệ môi trường, cung ứng nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, còn tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị, tiếng nói, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Ở vùng biên giới, miền núi còn có mô hình Tổ liên kết may áo mưa, do chị Phạm Thị Thuận ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn thành lập. Từ 1 máy ép áo mưa, chủ yếu gia công tại nhà, đến nay chị đầu tư thêm 30 máy ép áo mưa, trực tiếp dạy nghề cho phụ nữ các xã, thị trấn lân cận, như: Ba Chúc, Vĩnh Phước, Lương Phi… Mô hình tạo việc làm ổn định cho 30 lao động nữ, thu nhập từ 100.000 - 300.000 đồng/người/ngày, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm.
Có thể nói, các mô hình sinh kế do phụ nữ quản lý đã giúp hội viên, phụ nữ tự thân nỗ lực, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương, nên hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Bài và ảnh Hạnh Châu (Báo An Giang)
Các tin bài khác
- » Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sức mạnh của thủy lợi
- » Cơ hội thay đổi cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo
- » Bến Tre cho vay hơn 555,2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP
- » Đòn bẩy giảm nghèo ở Đồng Xuân
- » Ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho khu vực DTTS và miền núi
- » Người “cầu nối” hiệu quả trong hoạt động chính sách
- » Tiếp sức đam mê khởi nghiệp
- » Tín dụng chính sách xã hội ở Đông Giang có nhiều tích cực
- » Thái Nguyên tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
- » Vốn tín dụng giúp đồng bào DTTS miền núi vươn lên thoát nghèo