Cựu chiến binh giúp nhau làm giàu
Chủ tịch Hội CCB xã Chiềng Ve Quàng Văn Công cho biết: Hội có 119 hội viên sinh hoạt tại 5 Chi hội. Hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, hội đã chỉ đạo các chi hội trực thuộc tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hằng năm, cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do huyện, tỉnh tổ chức. Xây dựng và duy trì mô hình điểm “5+1” (5 hộ khá, giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo, cận nghèo), góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.
Từ tháng 12/2022, mô hình “5+1” được triển khai tại Chi hội CCB bản Púng. Ông Chi hội trưởng CCB bản Hoàng Văn Phin chia sẻ: Sau 1 năm thực hiện mô hình, Chi hội đã giúp đỡ gia đình CCB Vừ A Tủa mua 12 con dê, 4 con lợn, tạo điều kiện cho gia đình vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Các hội viên còn cho mượn đất trồng ngô để có thêm thu nhập. Ngoài ra, Chi hội giao cho hội viên Quàng Văn Bình tạo việc làm thời vụ cho hội viên Vừ A Tủa, như thu mua, sơ chế dược liệu, với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, bản Púng đã thống nhất trích đất cộng đồng của bản cho gia đình anh Tủa làm đất ở, các hội viên góp ngày công lao động để san, ủi mặt bằng, dựng nhà.
CCB Vừ A Tủa xúc động nói: Được các hội viên trong Chi hội giúp đỡ, gia đình tôi đã thuê đất trồng ngô, chăn nuôi dê, lợn; trừ chi phí, mỗi năm tôi tiết kiệm được 30 triệu đồng. Cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều, tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất để sớm thoát nghèo.
Tạo điều kiện cho hội viên có vốn sản xuất, từ năm 2017 đến nay, Hội CCB xã Chiềng Ve nhận ủy thác của NHCSXH huyện Mai Sơn trên 5 tỷ đồng thông qua 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 119 CCB vay, các hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn. Bên cạnh đó, hội còn vận động các hội viên có điều kiện kinh tế khá cho vay vốn, hỗ trợ cây giống cho hội viên nghèo và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Đến nay, xã đã xây dựng được 8 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ; có trên 10 hội viên tiêu biểu có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm và nhiều hội viên có mức thu nhập ổn định từ 50 - 80 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình hội viên Lò Văn Lụt, Lò Văn Định, bản Púng; Vì Văn Thong, Lò Văn Tuấn, ở bản Sơn Mè; Tòng Văn Ùn bản Buông Mè; Quàng Văn Ón bản Thẳm, Lò Văn Việt bản Khiềng…
Gia đình anh Quàng Văn Cương ở bản Khiềng trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư phân bón, giống trồng 2 ha cây cà phê. Anh tham gia lớp sơ cấp nghề, ngành vận hành máy xúc đào, tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La. Hiện nay, anh Cương đang lái máy xúc thuê cho doanh nghiệp với thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Gia đình anh đã thoát nghèo, đầu năm 2023, đã xây dựng ngôi nhà mới.
Phát huy kết quả đã đạt được, Hội CCB xã Chiềng Ve tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phát triển các mô hình sản xuất; huy động hỗ trợ cây giống, vật nuôi và nguồn vốn cho hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bài và ảnh Thu Thảo (Báo Sơn La)
Các tin bài khác
- » Vốn vay giải quyết việc làm tạo “sức bật” cho người dân Cửa Lò
- » Thái Nguyên triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
- » Tạo nguồn thu nhập ổn định từ trồng mai vàng
- » Những mô hình sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo ở An Giang
- » Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sức mạnh của thủy lợi
- » Cơ hội thay đổi cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo
- » Bến Tre cho vay hơn 555,2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP
- » Đòn bẩy giảm nghèo ở Đồng Xuân
- » Ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho khu vực DTTS và miền núi
- » Người “cầu nối” hiệu quả trong hoạt động chính sách