Cựu chiến binh vươn lên làm giàu nhờ vốn chính sách

19/12/2023
(VBSP News) Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Hội CCB) đã phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác cho vay, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi tới các đối tượng chính sách. Từ đó, giúp cán bộ, hội viên có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu chính đáng.
10b

Mô hình nuôi tôm công nghiệp từ nguồn vốn chính sách của CCB Nguyễn Văn Khoa xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình)

Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện phương thức quản lý thông qua việc uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội CCB Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết: Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ban hành, Đảng đoàn Hội CCB Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH; cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép trong các chương trình hoạt động của Hội để quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội…
Đến hết tháng 11/2023, dư nợ ủy thác qua Hội CCB đạt 56.218 tỷ đồng, với gần 1.167 nghìn khách hàng còn dư nợ thông qua 30.222 Tổ tiết kiệm và vay vốn; chất lượng nợ ủy thác qua Hội CCB được duy trì ổn định; 96,5% số Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại Tốt, Khá; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,22%.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ, hoạt động có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân CCB được củng cố, kiện toàn và phát triển, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm, thu hút hàng vạn lao động là CCB, gia đình chính sách và con cháu CCB.
Trong công tác phối hợp, Hội CCB Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện vai trò tập trung lực lượng, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng của Tổ tiết kiệm và vay vốn; tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả,…
Nhân lên những mô hình hay
Ông Nguyễn Văn Khoa ở xóm 4, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là một trong những CCB phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách để xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Khoa chia sẻ: “Để thoát cảnh nghèo túng, năm 2017, vợ chồng tôi mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để cải tạo lại khu ao nuôi tôm 5.400m² và mua vật tư, giống tôm về sản xuất theo hướng công nghiệp. Việc nuôi tôm có quy hoạch và theo phương pháp công nghiệp có lợi thế là dễ quản lý, dễ chăm sóc, môi trường đảm bảo, con nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh. Một năm thâm canh 3 lứa, mỗi lứa cho thu hoạch 1,5 tấn tôm thương phẩm. Ngay từ những lứa tôm đầu tiên, gia đình đã có lãi. Hiện gia đình đã thoát nghèo, trả lãi và gốc của ngân hàng đúng thời gian quy định.
Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Ninh Bình Lê Đình Cược cho biết: Việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giải quyết khó khăn, thách thức mà hoạt động Hội phải đối diện, nhất là trong phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Với những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội CCB trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06- KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hay như trường hợp ông Phan Phước Thành, hội viên CCB sinh hoạt tại Chi hội CCB thôn 1, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), xuất ngũ về địa phương với hai bàn tay trắng, gia đình đông anh em, ruộng đồng ít, vốn liếng không có. Sau khi được kết nạp vào Hội CCB, ông Thành được tuyên truyền về vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn NHCSXH. Năm 2015, ông mạnh dạn vay vốn NHCSXH chương trình giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng để đầu tư làm nấm rơm. Buổi đầu thực hiện mô hình, ông gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm, giá cả lại bấp bênh, chất lượng sản phẩm thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tuy nhiên, phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, với ý chí không bao giờ bỏ cuộc, ông Thành không ngừng học tập kinh nghiệm và xây dựng mô hình thành công.
Ba năm trở lại đây, sản phẩm nấm rơm của ông Thành đạt hiệu quả khá cao, chất lượng luôn đảm bảo, được người dân và hội viên thán phục và tin dùng. Ông mở thêm 07 trại nấm, số nhân công làm việc thường xuyên 8 - 10 người, thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình ông Thành thu về 20 - 25 triệu đồng/tháng. Hiện nay, ông đầu tư 320 triệu đồng mua máy cuốn rơm để phục vụ việc cuốn rơm ở cánh đồng và cuốn rơm cho nhiều hộ dân trong xã để nâng cao thu nhập cho gia đình, cán bộ, hội viên và nhân dân địa phương.
Mô hình của hội viên Phan Phước Thành đã tạo động lực cho nhiều hội viên CCB trong xã nói riêng và cả nước nói chung tích cực học tập đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Thanh Tâm

Các tin bài khác