Sóc Trăng: Vốn vay “tiếp sức” mô hình kinh tế, giúp nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo

27/12/2023
(VBSP News) Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều hộ gia đình tại tỉnh Sóc Trăng được hỗ trợ vay vốn NHCSXH để có đất ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở... để ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn vay đó đã giúp nhiều hội viên Hội Phụ nữ là đồng bào dân tộc Khmer được “tiếp sức”, ươm mầm và hiện thực hóa nhiều mô hình kinh tế, giúp vươn lên thoát nghèo.
hinh-1-802

Chị Súc Thị Mỹ Lệ ở ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú thu hoạch ngó sen

Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,18% dân số (đông nhất cả nước với trên 360.000 người), dân tộc Hoa trên 62.000 người, chiếm 5,20% dân số và dân tộc khác chiếm 0,03% dân số. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; lồng ghép việc thực hiện các chính sách dân tộc với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi… Qua đó, công tác phụ nữ và công tác dân tộc của tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cuộc sống của phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn Sóc Trăng ngày càng được cải thiện.
Tại xã Long Phú, huyện Long Phú, hội viên, phụ nữ người dân tộc Khmer đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: mô hình trồng lúa kết hợp nuôi heo, trồng màu; mô hình trồng sen kết hợp chăn nuôi bò, cũng nhiều mô hình kinh tế khác… Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình của chị em phụ nữ thoát cảnh nghèo, kinh tế vươn lên ổn định.
Chị Súc Thị Mỹ Lệ (người dân tộc Khmer xã Long Phú) từng là hộ nghèo không có đất sản xuất sản xuất nên đời sống khá chật vật. Những năm trước, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của NHCSXH với lần lượt là 30 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng và năm ngoái là vay 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Chị đã mạnh dạn chọn mô hình trồng sen - nuôi bò để phát triển kinh tế. Sau thời gian nỗ lực, cùng sự hỗ trợ, động viên của Hội Phụ nữ địa phương, chị đã gặt hái được kết quả.
Chị Lệ hiện đang sở hữu 2 con bò nái và 3 con bò trưởng thành. Riêng mô hình trồng sen, chị thuê 10 công đất để trồng, chia thành 2 đợt trồng xen kẽ để thu hoạch quanh năm và nguồn giống để tái sản xuất cho vụ tiếp theo. Giờ sen cho thu hoạch 3 ngày một lần với hơn 20 kg ngó sen, giá bán 22 nghìn đồng/kg, những lúc cao điểm, thu từ 60 - 80kg mỗi lần thu hoạch, giúp chị có nguồn thu nhập khá quanh năm.
Hay như trường hợp của chị Triệu Thị Phol Ly là Chi Hội trưởng Chi Hội Phụ nữ ấp Kinh Ngang, xã Long Phú. Chị tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành ngoại ngữ nhưng không tìm được việc làm phải đi làm công nhân xa nhà. Tuy nhiên, thấy cha mẹ già yếu, con nhỏ nên chị về quê lập nghiệp cùng chồng. Lúc đầu hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng được tiếp cận vốn vay NHCSXH để phát triển nghề chăn nuôi heo truyền thống của gia đình. Hiện chị có 4 con heo nái để bán và tự cung cấp con giống, cùng hơn chục con heo thịt. Theo chị Phol Ly, mỗi năm chị nuôi 3 đợt, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Đối với 1,8 ha đất trồng lúa, vụ vừa qua, nhờ bán được giá, gia đình thu lời 40 triệu đồng, ngoài ra còn có thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng từ việc trồng màu quanh năm.
Từ nguồn vốn vay NHCSXH đã giúp cho nhiều phụ nữ Khmer ở xã Long Phú phát triển kinh tế thành công; Góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Điển hình như Chị hội phụ nữ ấp Kinh Ngang, có hơn 100 hội viên, đến nay chỉ còn 2 hội viên là hộ nghèo, đều do hoàn cảnh gia đình neo đơn.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Phú Nguyễn Thị Hồng Đang cho biết: Việc triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, thu nhập, đời sống cho phụ nữ rất được Hội quan tâm. Hàng năm, hội đều duy trì giúp các chị em khởi nghiệp hiệu quả mang lại nguồn kinh tế, giúp chị em vươn lên khá giả, thông qua các nguồn vốn vay NHCSXH, vốn do các chị em phụ nữ đóng góp hỗ trợ nhau làm kinh tế…
Chị em nào không có vốn sản xuất thì Hội Phụ nữ sẽ giới thiệu với NHCSXH để vay vốn theo yêu cầu với mô hình của từng hộ gia đình. Các chị em mà không có trình độ chuyên môn kỹ thuật để tiếp cận, phát triển, làm cho hiệu quả thì Hội Phụ nữ cũng đề nghị UBND xã, trung tâm giải nghề mở các lớp học nghề để áp dụng hiệu quả.
Lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên trong đồng bào dân tộc
Không chỉ ở huyện Long Phú mà các địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện rất hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH, giúp phụ nữ dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo. Chị Lý Thị Ngọc Anh ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 2015, chị được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng. Chị sử dụng nguồn vốn mua bán đồ rẫy. Hàng ngày, chị thu mua rau, củ, quả từ các nhà vườn, đến 2 giờ khuya chị đem giao sỉ tại các vựa chợ đầu mối Sóc Trăng.
Hiện hàng tháng thu nhập của chị trên 10 triệu đồng. Quá trình cố gắng của chị Ngọc Anh đến nay đem lại kết quả, gia đình chị vừa xây dựng căn nhà khang trang trị giá trên 400 triệu đồng. Con gái lớn của chị hiện đang là sinh viên ngành chế biến thực phẩm trường Đại học Cần Thơ. “Lúc khó khăn, nhờ nguồn vốn đó đã tiếp thêm niềm tin và động lực để tôi phấn đấu vượt khó vươn lên để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Tôi mong rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hội viên phụ nữ như tôi được hỗ trợ vốn để vươn lên thoát nghèo”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Chị Liêu Sà Quy ở phường 9, TP Sóc Trăng là gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rau màu xen canh, lấy ngắn nuôi dài. Trước đây, gia đình chị Quy thuộc hộ nghèo, cả hai vợ chồng chị đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Sau đó, Hội Phụ nữ phường giới thiệu chị vay vốn đầu tư trồng rau sạch. Chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội phối hợp tổ chức để có thêm nhiều kiến thức hơn, áp dụng mang lại năng suất cao, đạt chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát hộ nghèo, nhà cửa khang trang hơn và có điều kiện lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn.
Tại xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, chị Quách Thị Phương Loan cũng là một gương phụ nữ Khmer điển hình vươn lên làm giàu nhờ nghề chăn nuôi heo và bán tạp hóa. “Giờ đây cuộc sống ổn định, tôi luôn mong sao mình có sức khỏe tốt để có nhiều thời gian làm công tác xã hội, nhất là góp phần giúp chị em dân tộc Khmer thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong học tập, lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, chị Loan chia sẻ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; Những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Có thể nói, tại tỉnh Sóc Trăng, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, phụ nữ; Mang lại lợi ích thiết thực, góp phần khẳng định được vị thế của phụ nữ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đình Thương

Các tin bài khác