Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi thoát nghèo
Chính sách tín dụng ưu đãi đã tiếp sức giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi vươn lên sản xuất, ổn định cuộc sống. Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng mang lại nhiều hiệu quả ở vùng cao địa phương này.
Nhiều năm qua, gia đình chị Hồ Thị Tâm ở xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng thuộc diện hộ nghèo. Được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH với lãi suất ưu đãi, chị Tâm đầu tư nuôi heo thịt. Thông qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, đàn heo của gia đình được chăm sóc đúng cách và phòng bệnh chu đáo nên phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Sau 2 năm, chị Tâm đã trả xong nợ vay. Chị Tâm tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng để trồng keo. Chăm chỉ làm ăn, giờ đây gia đình chị Hồ Thị Tâm được xem xét đưa ra khỏi hộ nghèo.
Chị Tâm xem đây là động lực để tiếp tục làm ăn: “Không có nguồn vay thì mình không có điều kiện để làm ăn, cũng nhờ có nguồn vay mà làm kinh tế phát triển. Lần đầu tiên tôi nuôi có 10 con heo, đợt 2 lấy thêm 15 con, nuôi nhiều dần, giờ cả chuồng này là 25 con”.
Cũng được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, chị Hồ Thị Trà người cùng xã Trà Sơn vừa trồng keo, chăn nuôi và mở cửa hàng tạp hóa. Không chỉ thoát nghèo, đến nay gia đình chị đã có cuộc sống khá hơn. Với chị Trà, đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước đến với người nghèo nếu được sử dụng đúng cách thì khả năng thoát nghèo và vươn lên làm ăn khá là điều hoàn toàn có thể.
“Tôi có vay NHCSXH 50 triệu để trồng keo, sau 4 năm tôi khai thác keo thu về được 70, 80 triệu đồng, dùng số tiền đó mua thêm đồ dùng trong nhà, với lại nuôi thêm heo. Cuộc sống bây giờ của gia đình đỡ hơn hồi xưa rất nhiều rồi”, chị Trà nói.
Ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, người dân được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh và thiết thực. Năm nay, tại huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác qua NHCSXH huyện theo Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Đỗ Đình Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết, nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo: “Nguồn vốn cho vay này góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm đối với những lao động thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định, từ đó tạo điều kiện cho các lao động này có thu nhập và vươn lên thoát nghèo”.
Tính đến tháng 11/2023, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân cho hơn 30.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình là hơn 320 tỷ đồng và cho vay cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 hơn 1.000 hộ với tổng dư nợ 36 tỷ đồng. Các khoản vay này đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai thực hiện góp phần rất tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục phát huy hơn nữa các hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số giúp cho người dân có vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững”.
Thành Long
Các tin bài khác
- » Nông dân Điện Bàn đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản
- » Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người Xơ Đăng vững tin hướng đến tương lai
- » Ký kết ủy thác nguồn vốn địa phương sang NHCSXH
- » Tín dụng chính sách nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc
- » Sóc Trăng: Vốn vay “tiếp sức” mô hình kinh tế, giúp nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo
- » Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Cư M’gar
- » “Cầu nối” nguồn vốn ủy thác cho người nghèo
- » Tam Kim đổi thay từ nguồn vốn chính sách
- » Cựu chiến binh vươn lên làm giàu nhờ vốn chính sách
- » Cựu chiến binh giúp nhau làm giàu