Quảng Ngãi tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo

01/12/2023
(VBSP News) Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và các Sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
17b

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, anh Đặng Ngọc Vương ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn đã đầu tư mô hình nuôi vịt trên sàn đạt hiệu quả kinh tế

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Ánh Lan, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở địa phương hiện nay là văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương chưa đầy đủ, chưa sát với tình hình thực tế của tỉnh; một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn từ chương trình.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ giải ngân còn thấp, các địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt, việc lựa chọn danh mục công trình còn manh mún, nhỏ lẻ; việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt kết quả.
Trước thực tế đó, Quảng Ngãi phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đồng thời, phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm thay đổi phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Phấn đấu đến cuối năm 2023, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo xuống còn 33,9%, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống còn 33,8%.
Tối thiểu 1.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giảm 4.107 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3,24%.
Tập trung nguồn lực cho giảm nghèo

17a

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên (bên phải) kiểm tra các mô hình, dự án giảm nghèo tại huyện Sơn Tây

Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ hơn 201,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 175,3 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 19 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 7,2 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho rằng: Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, hoàn thành kế hoạch đề ra, cùng với việc giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, các chương trình, dự án và huy động từ cộng đồng để đầu tư xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Đặc biệt, cần chủ động rà soát, cập nhật các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh để khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần được giao chủ trì thuộc chương trình đạt kết quả, đúng quy định của pháp luật; việc bố trí kinh phí để thực hiện các dự án, tiểu dự án phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, không dàn trải; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đến ngày 31/12/2023 giải ngân đạt kế hoạch vốn được giao.
Bên cạnh việc phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiệu quả thì việc đảm bảo công tác an sinh xã hội cũng góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của Quảng Ngãi luôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện toàn diện, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Bùi Đức Thọ, khuyến khích hình thức tham gia thực hiện an sinh xã hội tự nguyện thông qua vận động Quỹ “Vì người nghèo”, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương đã được lan toả sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao mức sống người dân.
Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, trong 9 tháng của năm 2023, nguồn quỹ vận động vì người nghèo các cấp trong tỉnh được hơn 59 tỷ đồng. Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các chương trình, hoạt động an sinh xã hội tổng giá trị hơn 79 tỷ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ xây mới 697 căn nhà, hỗ trợ sửa chữa 158 nhà, với tổng số tiền hơn 37 tỷ đồng; hỗ trợ giúp phát triển sản xuất với số tiền hơn 07 tỷ đồng và giúp khám - chữa bệnh, hỗ trợ học sinh đi học, hỗ trợ khác với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng.
Giải pháp để hoàn thành mục tiêu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho biết: Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 - 2025,  Quảng Ngãi đã đề ra những giải pháp cụ thể như: Tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, cần chú trọng, tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Chú trọng nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin… Tiếp tục phối hợp với NHCSXH hỗ trợ người dân được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, làm công trình vệ sinh, công trình nước sạch theo các chương trình cho vay hiện nay của Nhà nước để trợ giúp người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định…

Hải Yến

Các tin bài khác