Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ở Đắk Lắk (Bài cuối: Góp phần giữ bình yên cao nguyên Đắk Lắk)

28/11/2023
(VBSP News) Tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk quan tâm, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, công tác này càng trở nên ý nghĩa hơn khi trở thành cánh tay đắc lực của Chính phủ trong thực hiện công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
ca phe

Nguồn vốn chính sách luôn đồng hành với người dân tỉnh Đắk Lắk phát triển kinh tế

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong năm 2021, triển khai chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho 12 người sử dụng lao động để thực hiện trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 902 lượt người lao động, với số tiền cho vay là 2.853 triệu đồng; đầu năm 2022, đã triển khai thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11).
Song song với nhiệm vụ cho vay phục hồi và phát triển kinh tế, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk không lơ là với 18 chương trình cho vay khác đang thực hiện. Nhờ đó, đã có trên 803.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn, tạo việc làm cho nhiều người lao động; giúp 87,5 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; thu hút tạo việc làm cho 37,8 nghìn lao động, xây dựng được trên 139.000 công trình nước sạch và 136 nghìn công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây được 19.000 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở, 1,6 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 11 (đầu năm 2022) đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phục hồi kinh tế cho các đối tượng chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đặc biệt, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.410 lao động, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho 117 hộ gia đình, giúp cho 82 HSSV có điều kiện trang bị máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; 48 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm trang thiết bị giáo dục, y tế, sửa chữa cơ sở do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và 405 hộ đồng bào DTTS và miền núi được vay vốn hỗ trợ xây nhà để ở, tạo đất sản xuất và chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 264 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,94% vào năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Ngăn ngừa tín dụng đen
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Toàn tỉnh có hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS hơn 667 nghìn người, chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh, phân bổ rải rác ở đều khắp 184/184 xã, phường, thị trấn.
Với địa bàn phức tạp, đông đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều nhất và sự khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến không ít đồng bào rơi vào bẫy tín dụng đen. Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo Nguyễn Văn Hà chia sẻ: Trên địa bàn Ea H’Leo, tình trạng hoạt động tín dụng đen vẫn diễn ra. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo công an xây dựng các chuyên án để triệt phá các băng nhóm.
Qua điều tra, các băng nhóm tín dụng đen này là những người nơi khác đến thuê nhà trọ, thuê cơ sở kinh doanh để trá hình, núp đằng sau hoạt động tín dụng đen. Một số bà con đã bị mắc lừa, bị lôi kéo vào hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh đó, cũng có những đối tượng cầm đầu tín dụng đen đến đòi nợ rồi gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng trên địa bàn cùng vào cuộc xử lý vấn nạn này.
“Một mặt, chúng tôi phối hợp với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk rà soát nhu cầu vay vốn của bà con, giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn khi cần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, Chủ tịch Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Trước tình hình trên, chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn chú trọng nắm bắt tình hình nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách; chủ động khơi thông nguồn vốn bằng những giải pháp thiết thực như triển khai xe ngân hàng lưu động tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội rà soát linh hoạt trong thủ tục để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng.
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk có 183 Điểm giao dịch đến tận các xã vùng sâu vùng xa, với trên 190.000 hộ nông dân được tín chấp vay vốn để đầu tư sản xuất, làm nhà ở hoặc nuôi con học đại học. Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.117 tỷ đồng, tăng 786,9 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 12,43%, với trên 167 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Cùng với đó, chi nhánh tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án đầu tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trình HĐND tỉnh Đắk Lắk để bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH. Đồng thời, đẩy mạnh huy động tiền gửi đối với tổ chức, cá nhân, nhận tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2023. Tăng cường hoạt động cho vay theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình được giao năm 2023, bao gồm nguồn vốn Trung ương và địa phương (kể cả nguồn vốn quay vòng); tiếp tục phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,2%…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa chia sẻ: “Chúng tôi sẽ nỗ lực chủ động nguồn vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu khi hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách cần. Đây cũng là cách NHCSXH tỉnh góp phần gìn giữ sự bình yên cho vùng đất đầy nắng gió này”.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác