Quảng Ngãi đưa vốn kịp thời đến với người nghèo

14/04/2023
(VBSP News) Trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo của NHCSXH luôn có sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH qua các tổ chức chính trị - xã hội đã được thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh.
image001

Người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhận vốn vay tại Điểm giao dịch xã

Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng mạng lưới hơn 2.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và hải đảo tại 173/173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc mở các Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn đã làm “cầu nối” để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần nâng cao lòng tin của người dân.

Tiếp sức giúp phụ nữ nghèo vươn lên

Thực hiện Chương trình ủy thác, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn, trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực triển khai chương trình ủy thác vay vốn và tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, góp phần hỗ trợ cho phụ nữ chủ động vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã nhận ủy thác của NHCSXH hơn 2.035 tỷ đồng, với hơn 1.000 Tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho hơn 44 nghìn hộ vay vốn phát triển kinh tế.

Một trong những tấm gương điển hình về vay vốn để phát triển kinh tế đó là chị Lê Thị Thu Sương ở xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi có hoàn cảnh nghèo khó neo đơn. Chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi cùng sự chịu thương, chịu khó làm ăn, đã giúp gia đình chị Sương vươn lên thoát nghèo. Đối với chị Sương, nguồn vốn vay như “chiếc phao cứu sinh” giúp gia đình chị trong lúc khó khăn nhất.

Cũng như chị Sương, chị Nguyễn Thị Minh Hương ở tổ Phú Vinh Đông, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành cũng là một trong những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế và trang trải chi phí cho các con học tập. Trong lúc khó khăn, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chợ Chùa hướng dẫn vay 72 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH để trang trải chi chí cho các con học tập. Đến nay, các con của chị đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Không chỉ vay vốn trang trải chi phí học tập cho các con, chị Hương còn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ đó, gia đình chị có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập và đến nay đã thoát nghèo bền vững, con cái được học tập đến nơi, đến chốn.

Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, chức năng chuyển giao KHKT, dạy nghề; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế,phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ nhằm giúp các cho các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. Các cấp hội phối hợp đào tạo nghề, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm, xuất khẩu lao động theo hợp đồng cho trên 12 nghìn người; giới thiệu phụ nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp, hỗ trợ tự tạo việc làm, thành lập mô hình tại địa phương từ ngành nghề được học. Sau học nghề, hầu hết chị em đã tìm được việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh tại gia đình, có thu nhập ổn định.

Hàng năm, thông qua các nguồn vốn, hoạt động hỗ trợ, các cấp Hội đã giúp khoảng 1.000 - 4.000 hộ phụ nữ vượt qua ngưỡng nghèo. Giai đoạn 2016 - 2021 đã giúp cho trên 8.200 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

image002

Cán bộ NHCSXH thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay các hộ dân

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi, nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu như: Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của đoàn viên Trương Quang Ninh ở xã Tịnh phong, huyện Sơn Tịnh. Đây là một trong những thanh niên đi tiên phong khởi nghiệp từ mô hình nuôi đông trùng hạ thảo ở tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đoàn viên Trương Quang Ninh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị và tiến hành sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Đến nay, doanh thu mỗi đợt sản xuất thu về từ 400 - 500 triệu đồng/đợt.

Bên cạnh đó, mô hình Tổ hợp tác trồng hoa Tết ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tận dụng nguồn vốn vay 540 triệu đồng từ NHCSXH, các thành viên của Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư đúc 10.000 chậu xi măng; xuống giống trồng hơn 5.000 chậu hoa cúc, 350 chậu hoa hồng, 150 hoa ngũ sắc và hơn 500 chậu hoa các loại khác; ước tính sau mỗi vụ Tết lợi nhuận thu được hơn 500 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có mô hình trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành của đoàn viên Trần Anh Tuấn. Từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng của NHCSXH, đoàn viên Trần Anh Tuấn đã mạnh dạn trồng 75ha keo, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo và đảm nhận trồng, chăm sóc hơn 65ha cây lâm nghiệp; đến nay doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hơn 08 lao động thanh niên ở địa phương.

Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế; tập huấn cho cán bộ đoàn ở cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.

Hội Nông dân tỉnh phát huy vai trò ủy thác vốn vay ưu đãi

image003

Nhiều hộ dân trong tỉnh đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi

Phát huy vai trò cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay cho hội viên nông dân phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giúp đỡ hàng nghìn hội viên tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận KHKT để phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân tỉnh quản lý hơn 1.486 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,6%/tổng dư nợ nhận ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, với hơn 32.000 thành viên vay vốn tại 864 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ KHKT cho các hộ vay vốn. Ngoài ra, các cấp hội còn còn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Được hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp và kiến thức KHKT, hội viên nông dân các cấp từ huyện đến cơ sở tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Các hộ nông dân đã tham gia có hiệu quả vào công tác phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và giảm nghèo trên địa bàn. Từ phong trào phát triển sản xuất, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương SXKD giỏi như: Trang trại nuôi heo thương phẩm áp dụng quy trình tiến bộ KHKT đạt hiệu quả cao của ông Võ Văn Ngọc ở xã Nghĩa Điền; mô hình VAC của ông Nguyễn Xy và ông Bùi Thanh Tâm ở xã Nghĩa Thương, ông Nguyễn Thành Được ở xã Nghĩa Kỳ; mô hình vườn ươm của ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Nghĩa Thuận; mô hình trồng nấm rơm thương phẩm trên xác bông vải của ông Nguyễn Văn Thiệp ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa…

Anh Nguyễn Đức Hiền ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành sở hữu vườn cây trên 5ha, với đầy đủ các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh và nhiều loại cây có giá trị khác. Khi phát triển vườn cây, gia đình anh mạnh dạn vay vốn NHCSXH để mua cây giống, làm hệ thống nước. Cùng với sự hỗ trợ cây giống của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, vườn cây ăn trái của gia đình anh Hiền đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Tín dụng chính sách giúp Cựu chiến binh phát triển kinh tế

Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phong trào “Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh hỗ trợ hội viên vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Tính đến nay, Hội cựu chiến binh tỉnh đang quản lý 347 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 12.450 hộ vay vốn, tổng dự nợ trên 582 tỷ đồng.

Để vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo cán bộ các cấp hội quản lý chặt chẽ số hộ, đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn vay. Việc cho vay ủy thác từ tổ chức hội đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều hội viên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. 

Hầu hết hội viên được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây chủ lực như cam, mía. Ngoài đầu tư vào trồng trọt, một số hội viên đầu tư chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính đến hết tháng 3/2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai cho vay 23 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 4.710 tỷ đồng, tăng hơn 187 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 4,2%. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 4.700 tỷ đồng, chiếm 99,8%/tổng dư nợ, tăng hơn 187 tỷ đồng so với năm 2022, với 2.592 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 101,6 nghìn hộ còn dư nợ. Nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại các xã, phường, thị trấn được nâng cao, với 2.388 tổ được xếp loại tốt, chiếm 92,1%; 153 tổ xếp loại khá, chiếm 5,9%; 47 tổ xếp loại trung bình và 4 tổ xếp loại yếu.

CTV

Các tin bài khác