Tín dụng chính sách xã hội - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên - Huế (Bài 1: Khởi sắc vùng cao)

27/03/2023
(VBSP News) Trong 20 năm qua, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có trên 274.000 lượt hộ nghèo, 76.000 lượt hộ cận nghèo, 80.000 lượt hộ mới thoát nghèo và trên 287.000 lượt các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, qua đó đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo. Đáng chú ý, nguồn vốn đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào DTTS với tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng giảm gần 4%...
_Files_Images_2023_03_24_anh-hue-44

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp sản phẩm dệt Zèng của người Tà Ôi ở Thừa Thiên - Huế trở thành hàng hóa có giá trị

Xuất hiện nhiều “triệu phú”
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện A Lưới, Hồ Trung Nghĩa chia sẻ: Thành công hôm nay của anh đều bắt nguồn từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong đó có tín dụng ưu đãi. Không chỉ bản thân anh, Hồng Vân - xã có hơn 98% số hộ là đồng bào DTTS cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với sự trợ lực của các chính sách hỗ trợ trên. Toàn xã hiện có hàng chục hộ đầu tư kinh doanh dịch vụ, rất nhiều hộ đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc, lập trang trại… trở thành hộ làm kinh tế giỏi nhờ sự hỗ trợ của tín dụng chính sách.
Chị Hồ Thị Him ở thôn Kêr, xã Hồng Vân là một ví dụ. Chị Him bộc bạch: “Gia đình mình giàu có như hôm nay là nhờ chính sách hỗ trợ về phát triển chăn nuôi đấy!”. Sau khi được cán bộ xã Hồng Vân tập huấn quy trình chăn nuôi, được NHCSXH hỗ trợ xây dựng chuồng trại và nguồn vốn đầu tư lợn giống ban đầu, chị Him bắt tay nuôi 8 con lợn thịt, mỗi năm bán được 3 lứa. Từ số tiền lời, cộng thêm kiến thức về hạch toán chi tiêu đã được tập huấn, chị tiếp tục mở rộng chuồng trại nuôi 10 con lợn nái và hàng chục con lợn thịt, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chị Him chia sẻ: “Ngoài đầu tư nuôi lợn, gia đình tôi còn tích luỹ nuôi thêm đàn gia cầm, đào ao nuôi cá trắm thịt và trồng rừng tràm nên kinh tế rất ổn định, đời sống được nâng lên, gia đình có của ăn của để. Hiện, trong xã có nhiều hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như tôi, có thu nhập mỗi năm từ 150 - 250 triệu đồng”.
Tại huyện Nam Đông, đồng bào dân tộc Kinh và Cờ Tu cũng đang được NHCSXH huyện trợ lực để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt khó, thoát nghèo. Sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và NHCSXH cùng quyết tâm của bà con đã được đền đáp xứng đáng với sản phẩm cam Nam Đông nổi tiếng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”.
Đề án “Đầu tư và Phát triển cây cam Nam Đông” đã được Huyện ủy và HĐND huyện phê duyệt với diện tích 130ha, trong đó vùng trồng cam tập trung là xã Hương Xuân với diện tích 80ha. Thực hiện Đề án, hàng năm, huyện Nam Đông đã chuyển một phần ngân sách địa phương sang NHCSXH ưu tiên cho vay đầu tư và chăm sóc cây cam. Đến nay, nguồn vốn ủy thác đã đạt hơn 2,45 tỷ đồng với 47 hộ đang có dư nợ. Điển hình có hộ ông Trương Phước, xã Hương Xuân đã vay vốn NHCSXH để đầu tư trồng cam trên diện tích gần 3ha, sau 5 năm đầu tư mỗi năm lợi nhuận thu được từ cây cam khoảng 200 triệu đồng/ha.
Thực tế ở Nam Đông, không chỉ ông Phước mà nhiều hộ vay khác được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư vào trồng cam đã cho nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình giàu lên từ trồng cam.
Để miền ngược tiến kịp miền xuôi
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng cho biết: Tổng nguồn vốn cho các chương trình, chính sách, dự án, đề tài triển khai cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hàng năm khoảng 42 - 45 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, hợp phần nâng cao năng lực các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 và hợp phần hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, đào tạo nghề được phân bổ với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng; chính sách định canh định cư được thực hiện hơn 16 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng đồng bào DTTS giảm gần 4%…
Năm 2022, các chính sách đào tạo, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS; các chương trình hỗ trợ nhà ở, phát triển kinh tế… đã tạo được bộ mặt nông thôn mới cho vùng đồng bào DTTS trên phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn tiếp tục được nhựa hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển. Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp… được chú trọng đầu tư. Đến nay, 100% hộ đồng bào DTTS được bố trí đất ở và đất sản xuất phù hợp. Chỉ tính riêng huyện miền núi A Lưới - địa bàn có 6 DTTS chung sống (Pa Kô, Tà Ôi, Cờ Tu, Pa Hy, Vân Kiều và dân tộc Mường), với hơn 75% dân số toàn huyện được thụ hưởng đầy đủ các chính sách đối với vùng DTTS, bà con đã thay đổi tập quán sản xuất, từng bước phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị sản xuất.
Cũng theo ông Hồ Xuân Trăng, ngành dân tộc tỉnh sẽ tập trung lồng ghép các nguồn lực giúp các xã vùng đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, đào tạo và giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội. Quá trình triển khai các chính sách, ngành dân tộc sẽ chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào để tạo sự phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt cho đồng bào các DTTS. Đặc biệt, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, nhất là NHCSXH.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương, địa phương, chủ động, cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi ngành nghề, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Bình Nhi

Các tin bài khác