Tín dụng chính sách xã hội: Gia cố 3 trụ cột phát huy tiềm lực thanh niên

23/03/2023
(VBSP News) Hơn 20 năm hình thành và phát triển, từ 3 chương trình tín dụng chính sách thuở sơ khai đến nay là hệ thống 22 chương trình tín dụng đang được NHCSXH tích cực triển khai, đã và đang góp phần phát huy sức mạnh cho thanh niên Việt Nam trong giai đoạn “dân số vàng” chủ động trong học tập, có khát vọng, ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp; tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội; góp phần hình thành thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu mới với năng lực, tự tin và hành trang hội nhập tốt.
Anh 2a

Anh Lê Trường Tùng (ngoài cùng, bên phải) - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành khởi nghiệp thành công nguồn vốn chính sách

Thành tài từ đồng vốn vay nhỏ
Nhìn lại 6 trụ cột chính sách đối với thanh niên, hiện nay có thể thấy NHCSXH đang góp phần thực hiện 3 trụ cột chính sách lớn là: Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học; Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về lao động, việc làm; Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về khởi nghiệp.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cho biết 15 năm phối hợp với NHCSXH thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, tính đến cuối năm 2022 đã giúp cho trên 3,8 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập với doanh số cho vay là 71.408 tỷ đồng cho hơn 3,8 triệu lượt HSSV).
Tính đến tháng 2/2023, dư nợ cho vay chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt 12.431 tỷ đồng, với 296.988 hộ đang vay. Đối với chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn COVID-19, dư nợ chương trình đến hết tháng 2/2023 là 823,8 tỷ đồng, với 56,229 khách hàng vay.
Bà Ngô Thị Lan ở khu 6, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, chồng mất từ khi 3 con còn nhỏ, lúc đó đứa lớn nhất mới học lớp 6, đứa thứ hai mới học lớp 4, đứa thứ ba thì còn nhỏ. Cuộc sống của bà đã vơi bớt khó khăn khi năm 2005 được tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng của NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò từ chương trình cho vay hộ nghèo. Tuy nhiên, bà sẽ chẳng thể cho con gái đầu đi học Đại học Y Hà Nội nếu không có nguồn vốn cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
“Tôi đã làm đơn đề nghị với Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn để vay cho con gái lớn của tôi là Lê Thị Huệ - lúc đó cháu thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội (tổng số tiền được vay qua các năm là 47,6 triệu đồng). Do kết quả học tập xuất sắc nên nhà trường giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử đi học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản. Hiện cháu vẫn đang học tập, nghiên cứu tại Nhật và đã nhận bằng Tiến sĩ”, bà Lan phấn khởi chia sẻ.
Nguồn vốn này cũng lần lượt giúp 2 con sau của bà thỏa nguyện khát khao học tập, vào năm 2009 và 2011. “Hiện 1 cháu đã là kỹ sư và đang mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy tính và thiết bị điện tử, một cháu đã là Thạc sĩ và đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục” - bà kể và cho biết thêm - “nhờ chịu khó làm ăn, các cháu chăm ngoan, chịu khó học tập nên gia đình tôi đã khá hơn, các cháu có công việc làm, thu nhập ổn định, hiện gia đình đã trả hết số tiền 117,8 triệu đồng cho Nhà nước”.
“Tín dụng chính sách đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước, được nhân dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ”, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận.
Điểm tựa giúp thanh niên lập nghiệp
Hơn 20 năm nhờ có 41.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách của Chính phủ mà cả nước đã có trên 950.000 đoàn viên thanh niên được vay vốn để phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp. Trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21%. Điều này cho thấy hệ thống đoàn thanh niên các cấp đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý và nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về lao động, việc làm đặc biệt tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm  đã giúp hàng trăm ngàn lao động là đoàn viên, thanh niên có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của thanh niên khởi nghiệp làm kinh tế giỏi, không chỉ ở thành thị mà còn ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Với chương trình cho vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đến nay đã hỗ trợ trên 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần không chỉ giải quyết bài toán việc làm mà hơn thế là góp phần kiến tạo đội ngũ thanh niên được đào tạo nghề ở những quốc gia có trình độ phát triển quay về phục vụ công cuộc kiến thiết địa phương và đất nước.
Hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách đối với phát triển thanh niên cũng là nền tảng để bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung của Chính phủ, nhiều địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã chung tay ủy thác nguồn vốn ngân sách, thúc đẩy, hạt nhân tương lai của đất nước, đặc biệt phong trào khởi nghiệp.
Như ở Thanh Hóa, việc Tỉnh đoàn nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH để cho vay khởi nghiệp đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất mới khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương và tạo việc làm.
Đơn cử như Công ty Cổ phần chế biến nông sản Trung Thành, tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống, thành lập vào tháng 7/2017 đến đầu 2018 khi triển khai kế hoạch sản xuất, Công ty đã được vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp uỷ thác qua NHCSXH.
Giám đốc Lê Trường Tùng nhớ lại: “Một tỷ đồng lúc đó to lắm, đã giúp cho tôi thực hiện việc chuẩn hóa một số khâu sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Hơn thế là hiện thực hóa mong muốn tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân là nông nhàn tại quê hương, tạo ra những lao động gián tiếp cho nhà máy việc trồng, cung ứng nguyên liệu và mang lại lợi ích về cho chính quê hương”. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ đầu tiên, sau nhiều nỗ lực xây dựng uy tín, đến nay thương hiệu của doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ 30 lao động ban đầu đến nay doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho gần 150 lao động địa phương và tới mùa vụ có thể lên tới hàng trăm lao động.
Chị Đặng Thị Hậu cư trú tại thôn Chấu, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) trước đây thuộc diện hộ khó khăn của xã. Nhờ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được vay 50 triệu đồng về phát triển nhà màng trồng rau củ quả sạch với diện tích 1.500m2 và chăn nuôi cá có hiệu quả kinh tế đã giúp trang trải được phần nào khó khăn, có tiền cho các con ăn học và sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, mô hình kinh tế của gia đình vẫn nhỏ lẻ và manh mún, vì vậy, đến năm 2020 khi được vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp chị đã mở rộng phát triển nhà màng và chăn nuôi cá hiệu quả. Hiện nay gia đình chị duy trì và mở rộng được trên 10.000m2 nhà màng trồng rau, củ quả sạch với tổng số vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng cụ thể, tạo việc làm ổn định trong gia đình và một số lao động địa phương với tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí còn có lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm.
Tại Báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đánh giá việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế giảm nghèo của Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các giai đoạn.
Những thành quả từ các chương trình tín dụng cho vay thanh niên góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7% cuối năm 2005, bình quân giảm 2%/năm; Giai đoạn 2006 - 2010 từ 22% cuối năm 2005 xuống 9,45%, bình quân giảm 2,51%/năm; Giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, bình quân giảm 2%/năm; Giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,88% xuống 2,75%, bình quân giảm 1,43%/năm; Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%.
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 6 mục tiêu. Trong đó đưa ra một số các tiêu chí lớn như đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020); 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ. Hằng năm, có ít nhất 700.000 thanh niên được giải quyết việc làm; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 7%; Phấn đấu tạo việc làm ổn định cho trên 50% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 20% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, sau cải tạo, thanh niên là người Việt Nam không có quốc tịch.
Để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu này, NHCSXH sẽ tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ kịp thời vốn cho đoàn viên, thanh niên đặc biệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về các chương trình tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023; 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030); Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030”.
NHCSXH cũng tăng cường tính chủ động phối hợp với Bộ, ban ngành liên quan để nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội, các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Duy trì và phát triển có hiệu quả các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn và nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của từng địa phương.
NHCSXH cùng Trung ương Đoàn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xây dựng chương trình cho vay thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của thanh niên, hỗ trợ thanh niên bị mất việc làm do COVID-19 trở về địa phương sinh sống, tìm việc làm thực hiện chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022). Đồng thời, xem xét, sửa đổi một số nội dung liên quan đến cơ chế chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Kịp thời điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với một số chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình hiện nay.

Bài và ảnh Hải Minh

Các tin bài khác