“Đòn bẩy” cho kinh tế hộ ở huyện đảo Cô Tô
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở Khu 3, thị trấn Cô Tô, có cơ sở chế biến thủy hải sản và mong muốn được vay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để mua thêm máy móc và nguyên vật liệu cho sản xuất. Sau khi được Hội Phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương tuyên truyền về chương trình cho vay giải quyết việc làm, chị đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để đầu tư kho lạnh bảo quản hải sản. Hiện nay, cơ sở của chị đang tạo công ăn việc làm cho 3 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Thu chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà gia đình tôi có điều kiện phát triển cơ sở chế biến hải sản; có kho lạnh bảo quản, chất lượng hải sản được đảm bảo. Có nguồn vốn hỗ trợ, tôi cũng có thể mua thêm nguyên liệu để tạo nhiều việc làm cho công nhân”.
Vào thời điểm khó khăn, những đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Cô Tô đã giúp người dân có thêm nguồn lực để không bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Thủ tục cho vay của ngân hàng đơn giản, giải ngân tại điểm giao dịch đã tạo nhiều thuận lợi trong tiếp cận vốn vay. NHCSXH huyện Cô Tô luôn xác định việc lựa chọn đối tượng cho vay vốn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay là rất quan trọng. Vì thế, ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với các Tổ tiết kiệm và vay vốn để không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt hơn 122 tỷ thông qua 29 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giúp 1.656 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển SXKD, phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo chuyển biến nhận thức của bà con trong làm ăn, giúp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn này đã tạo việc làm cho trên 1.216 lao động, hỗ trợ cho 3 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập, 05 học sinh sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến; đầu tư mới, cải tạo 370 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Giám đốc NHCSXH huyện Cô Tô Nguyễn Đức Chiến cho biết: Để các chủ trương chính sách về tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, thì tại tất cả các Điểm giao dịch của NHCSXH trên địa bàn các xã, thị trấn đều niêm yết công khai các chính sách liên quan, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, danh sách các hộ vay vốn còn dư nợ, có hòm thư góp ý cho hoạt động của ngân hàng. Qua đó, giúp người dân tiếp cận được với các chính sách, đồng thời hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình khi vay vốn. Tại các buổi giao dịch hàng tháng, cán bộ ngân hàng thực hiện tốt việc giao ban với các Tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt tình hình tại cơ sở, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Cô Tô sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Nguyễn Dũng
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài cuối: Góp phần bảo vệ nơi biên cương Tổ quốc)
- » Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài 3: Chắp cánh cho nông sản vùng cao)
- » Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài 2: Nơi “thâm sơn cùng cốc” đang chuyển mình)
- » Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài 1: Nghị quyết số 88 - Cơ sở pháp lý quan trọng)
- » Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị nhân sự của NHCSXH
- » “Cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách
- » Tín dụng ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế
- » Vốn chính sách góp phần phát triển kinh tế hộ ở Yên Nghĩa
- » Cán bộ NHCSXH huyên Tân Yên kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo
- » “Đòn bẩy” tạo sinh kế bền vững