Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài cuối: Góp phần bảo vệ nơi biên cương Tổ quốc)

28/02/2023
(VBSP News) Việt Nam có 4.639km đường biên giới trên đất liền thì có hơn 3.000km nằm ở khu vực miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Ðây là địa bàn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị - xã hội, là vùng biên cương của Tổ quốc. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực này để đồng bào yên tâm bám đất, bám bản, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…
Hà Giang: Tín dụng ưu đãi - “đòn bẩy” cho chươn

Đồng bào DTTS yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống từ nguồn vốn chính sách

Quan tâm đặc biệt
Trước khi Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 được Quốc hội thông qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình để phát triển kinh tế tại vùng DTTS và miền núi. Các chính sách đã phát huy hiệu quả và làm thay đổi toàn diện đời sống đồng bào các DTTS và vùng sâu, vùng xa.
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc; chính sách “Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015 (theo Quyết định số 755/QÐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ); chính sách “Hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015 (Quyết định số 33/2013/QÐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quy định số 1722/QÐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi đã tác động đến hầu hết các mặt đời sống người nghèo, nhất là đồng bào DTTS. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 39,3 triệu đồng/hộ/năm, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng/hộ/năm. Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của NHCSXH Việt Nam, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Các chính sách đã tạo nền tảng, động lực giúp đồng bào DTTS thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất; việc làm và thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi ngày càng tăng lên. Kinh tế - xã hội từng vùng được thúc đẩy phát triển, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện… Đây là những cơ sở để tăng cường tiềm lực an ninh quốc gia.
Củng cố an toàn, an ninh Quốc gia
Hơn 20 năm trước, huyện Mường Nhé (Điện Biên) được ví như “lõi của lõi nghèo”. Hệ thống giao thông đi lại vô cùng hiểm trở, khó khăn; kinh tế chủ yếu là canh tác lúa nương, ngô, sắn. Dân số 100% DTTS, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 90%, đời sống nhân dân chồng chất khó khăn.  
Cũng giống như nhiều gia đình người Mông, vợ chồng ông Giàng A Mờ ở bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé khá đông con. Cuộc sống bao nhiêu năm lang bạt, chạy theo nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn. Nay đã đổi thay khi ông Giàng A Mờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, được hướng dẫn trồng lúa nước 2 vụ và chăn nuôi đúng cách. Hiện nay, mỗi héc ta lúa nước cho thu hoạch trên 4,5 tấn thóc mỗi vụ đã dần đưa gia đình ông Mờ thoát khỏi đói nghèo. Không dừng lại ở đó, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước còn cho gia đình ông Mờ một ngôi nhà mới, rộng rãi với tiêu chí “3 cứng”: cứng nền, cứng mái và cứng cột. Giờ đây, cuộc sống của gia đình 7 người đã ổn định, chấm dứt cảnh du canh du cư vất vả. Con cái được đi học đầy đủ; xe máy cũng đã sắm được 3 cái để đi lại và có cả đàn trâu trị giá hàng trăm triệu đồng đang chờ ngày xuất bán…
Ông Tráng A Phừ ở bản Pá Mỳ 3 không muốn nhắc đến cuộc sống ăn rừng ở bụi trước đây. Ông cũng từng lỡ nghe theo người xấu xúi giục, rời bỏ địa phương tham gia hoạt động thổ phỉ với những việc làm trái pháp luật. Việc làm này đã khiến ông Phừ phải trả giá bằng một bản án tù và bản án từ chính lương tâm mình. Sau khi chấp hành án xong, trở về địa phương ông Phừ được chính quyền địa phương giáo dục, giúp đỡ; được vay vốn chính sách để chăn nuôi, trồng trọt… Đến nay, cuộc sống của gia đình đã thay đổi, các con được tới trường đi học, không còn lo bị đứt bữa.
Mường Nhé bây giờ đã khác xưa, hình ảnh ấm no và yên bình đã thay thế cho cái đói nghèo, lạc hậu và bất ổn chính trị. Mường Nhé đã có xã Sín Thầu về đích Nông thôn mới; có nhiều mô hình sản xuất ổn định với sự trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Những thành tích này đang lan tỏa mạnh mẽ tới tất cả các bản, xã bạn, tạo làn sóng thi đua sôi nổi trên toàn huyện. Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân mỗi năm, Mường Nhé giảm 2,95% hộ nghèo; mỗi xã đạt 9,2 tiêu chí Nông thôn mới… Những kết quả này thể hiện niềm tin của đồng bào đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Không chỉ Mường Nhé mà toàn vùng Tây Bắc hay ngược vào Tây Nguyên, xuống Tây Nam Bộ… bất cứ nơi đâu các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng được bao phủ xuống tận từng hộ dân. Bất cứ hộ nghèo, hộ cận nghèo hay gia đình chính sách, nhất là các hộ đồng bào DTTS nào có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, chăn nuôi, sản xuất đều được NHCSXH đáp ứng kịp thời. Chính vì vậy, tập quán du canh du cư ở một số dân tộc đã gần như xóa sổ; cuộc sống của đồng bào các DTTS đang ngày một khởi sắc.

Bình Nhi

Các tin bài khác