Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài 3: Chắp cánh cho nông sản vùng cao)

28/02/2023
(VBSP News) Song hành với mục tiêu thoát nghèo bền vững, các địa phương cũng đang rốt ráo phát huy thế mạnh tự thân, cùng đồng bào các DTTS xây dựng thương hiệu hàng hóa cho riêng mình. Cách làm này đã đưa nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống lan tỏa khắp vùng miền, thậm chí xuất khẩu...
A18-HTX-PA-THEN_9376

Phụ nữ Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang) vay vốn ưu đãi phát triển nghề dệt vải truyền thống

Niềm tự hào OCOP
Nhắc đến các sản phẩm OCOP nổi tiếng vùng Tây Bắc, không thể không nhắc đến cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã (HTX) Cà phê Bích Thao, TP Sơn La (Sơn La). Cà phê Bích Thao hiện là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2021 được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.
Ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, từng là một nông dân trồng cà phê. Với niềm đam mê cà phê cháy bỏng, ông Thao đã từng bước vượt qua mọi khó khăn cả về vốn, kỹ thuật, đầu ra… để tạo ra dòng sản phẩm cà phê chất lượng, chinh phục thị trường Châu Âu.
Ông Thao đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của địa phương cũng như các cơ chế tín dụng chính sách ưu đãi giải quyết việc làm vùng khó khăn; mạnh dạn mời chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho các thành viên HTX. Đồng thời, đón đầu phương pháp chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà cascara xuất khẩu, mang lại hương vị đặc trưng cho sản phẩm, thân thiện với môi trường. Hiện nay, sản phẩm OCOP 5 sao của HTX đã được đưa sang triển lãm ở Ý, Nhật; được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. HTX cũng vừa xuất lô hàng sang thị trường Anh và Đức. Năm nay, dự kiến sản lượng cà phê đạt khoảng 4.000 tấn; sản lượng xuất khẩu đạt 90% đến 95% tổng sản lượng, trị giá từ 15 - 20 tỷ đồng.
Nếu Sơn La nổi tiếng với cà phê Bích Thao thì đồng bào Hà Giang cũng có chè Shan tuyết. Từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ cùng với kinh nghiệm chế biến truyền thống, đồng bào Dao ở huyện Hoàng Su Phì đã thành lập HTX Chế biến chè Phìn Hồ và cho ra đời hai sản phẩm tiêu biểu được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao: Trà xanh và Hồng trà. Ngoài ra, HTX Chế biến chè Phìn Hồ hiện có 6 dòng sản phẩm khác nhau mang thương hiệu Fìn Hò Trà. Mỗi loại sản phẩm đều có hương vị khác nhau tùy thuộc sở thích của người dùng. Bình quân mỗi năm, HTX thu mua từ 650 - 900 tấn chè búp tươi cho người dân, tiêu thụ từ 90 - 100 tấn chè thành phẩm. Ngoài thị trường Việt Nam, các sản phẩm chè của HTX đã xuất khẩu đến Đài Loan, Trung Quốc với doanh thu khoảng10 tỷ/năm trong những năm gần đây. Đặc biệt, HTX Chế biến Chè Phìn Hồ đã trở thành cầu nối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đưa thương hiệu chè Shan tuyết đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế.
Thực tế nhiều năm qua, Chương trình OCOP đã đạt những kết quả quan trọng trong thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho dân cư miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Luôn sát cánh với đồng bào
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Qua đó, trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.
NHCSXH hiện có 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phân bổ đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã”.
Với vai trò là công cụ trụ cột của Chính phủ trong giảm nghèo bền vững, các giải pháp tín dụng của NHCSXH hướng tới việc cụ thể hóa chính sách vay hỗ trợ sản xuất được quy định tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Các giải pháp được đặt ra trên cơ sở xác định rõ đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn và quy định cụ thể liên quan phù hợp với quy định hiện hành về hoạt động của NHCSXH và không trùng lặp với các chương trình tín dụng chính sách hiện tại. Theo đại diện NHNN, để đẩy mạnh hiệu quả vốn tín dụng cho đồng bào dân tộc, cần có những quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến chính sách, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai thực hiện và giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Việc cho vay được quy định theo thứ tự ưu tiên: hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, các quy định cũng phải phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện chương trình và khả năng trả nợ của người vay.
Thực tế, hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách đối với khu vực miền núi, đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đặc biệt, tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó có việc phát triển sản phẩm OCOP.
Gia đình ông Lý Văn Lìn ở Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là một ví dụ. Từ một hộ nghèo, khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện, ông Lìn từng bước trở thành một trong những hộ có nhiều chè nhất thôn Phìn Hồ, chuyên cung cấp chè mộc cho HTX chế biến Chè Phìn Hồ, với doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
“Cái được lớn nhất của cuộc đời tôi là khi khó khăn có NHCSXH giúp vốn; khi tham gia HTX Chè Phìn Hồ thì không lo sản phẩm chè bị tư thương ép giá; sản phẩm sản xuất đến đâu, được thu mua hết đến đó. Chúng tôi vô cùng sung sướng”, ông Lý Văn Lìn hạnh phúc khoe.
Trên địa bàn Hoàng Su Phì hiện không ít hộ đồng bào đã biết cách làm ăn, biết sử dụng vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo như ông Lý Văn Lìn. Đồng bào nhận thức rõ, nếu không thay đổi, nếu không nỗ lực vươn lên, cái đói nghèo sẽ còn đeo bám mãi…

Bình Nhi

Các tin bài khác