Tín dụng ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế

27/02/2023
(VBSP News) Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng đưa chính sách tín dụng ưu đãi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
TNB-57071

Tín dụng ưu đãi giúp bà Trần Thị Ánh Tuyết ở thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh đầu tư sản xuất bánh đậu xanh hiệu quả

Giải ngân 100% vốn
Nghị quyết số 11/NQ-CP được chi nhánh triển khai thực hiện 5 chương trình cho vay, gồm: chương trình cho vay nhà ở xã hội hơn 156,6 tỷ đồng với 438 khách hàng vay vốn; chương trình hỗ trợ tạo việc làm 160 tỷ đồng với 3.200 khách hàng vay vốn; chương trình HSSV mua máy tính học tập trực tuyến 7 tỷ đồng với 723 HSSV tiếp cận; cho vay cơ sở mầm non gần 3 tỷ đồng với 36 cơ sở; cho vay theo Nghị định 28 gần 46,5 tỷ đồng với 933 khách hàng (hỗ trợ chuyển đổi nghề 559 hộ với tổng vốn vay hơn 30,5 tỷ đồng; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở 276 hộ với số tiền 11 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất 98 hộ với số tiền gần 4,9 tỷ đồng). Đến hết năm 2022, hệ thống chi nhánh NHCSXH toàn tỉnh đã giải ngân hơn 373 tỷ đồng với 5.330 khách hàng vay vốn, đạt tỷ lệ 100%.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết ở thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành được NHCSXH huyện Phú Ninh cho vay 95 triệu đồng để đầu tư sản xuất bánh đậu xanh vào tháng 3/2022. Ngoài được vay vốn tạo việc làm, bà Tuyết còn được hỗ trợ 2% lãi suất vốn vay. Hiện nay, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Mỹ Khánh của bà Tuyết đã đạt sản phẩm 3 sao của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Mỗi tháng, bà Tuyết có doanh thu 150 triệu đồng, lãi 15 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, sản phẩm bánh đậu xanh Mỹ Khánh đã được bán ở hầu khắp siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… “Tín dụng ưu đãi giúp chúng tôi có điều điện mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Sắp tới tôi sẽ nâng sản phẩm lên OCOP 4 sao và mở rộng thị trường tiêu thụ ra cả nước”, bà Tuyết chia sẻ.
Giám đốc NHCSXH huyện Phú Ninh Nguyễn Thị Trang cho biết: Triển khai Nghị quyết số 11, đơn vị đã giải ngân cho 42 hộ vay vốn theo chương trình nhà ở xã hội với dư nợ hơn 11,5 tỷ đồng; cho 93 hộ vay giải quyết việc làm số tiền 6,5 tỷ đồng; cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 799 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đánh giá, các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của chương trình đề ra, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo cú hích trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân, nhất là những hộ yếu thế, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Đi vào cuộc sống
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam cho biết: Nghị quyết số 11/NQ-CP được triển khai thông suốt, đi vào cuộc sống là nhờ cách tổ chức thực hiện hiệu quả. Chi nhánh đã ban hành kế hoạch cụ thể, phổ biến chính sách cho vay ưu đãi trên các phương tiện truyền thông; niêm yết công khai chính sách tại trụ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh, huyện và Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Chi nhánh đã tổ chức triển khai, tập huấn đến toàn thể cán bộ, tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện cho vay đúng quy trình, đảm bảo đúng người được vay, giải ngân vốn kịp thời.
Tại tỉnh Quảng Nam, vốn ưu đãi được tập trung thực hiện ở nhiều chương trình, đặc biệt là cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Các chính sách cho vay đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư phát triển vùng dược liệu quý, chuyển đổi nghề, hoặc cho vay cải tạo, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất… được xem là cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân vùng cao, đồng bào DTTS.
Trong các năm tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương bố trí nguồn vốn thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 và thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Quang

Các tin bài khác