Tiếp vốn ưu đãi, nông dân Thái Bình vươn lên khá giàu

23/02/2023
(VBSP News) Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đầu tư các mô hình chăn nuôi hiệu quả như nuôi bò vỗ béo, nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
anh-tr7-16768874684641796446941

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều nông dân huyện Vũ Thư đã đầu tư mô hình nuôi bò vỗ béo hiệu quả

Phát triển kinh tế từ vốn vay chính sách
Gia đình anh Ngô Văn Cao ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải hiện đang vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH để phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm. Đến nay, mô hình có gần 5 vạn con gà đẻ. Ngoài chăn nuôi gà, anh Cao còn đào ao nuôi cá. Sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi, gia đình anh Cao không những nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Cao chia sẻ: “Chăn nuôi với quy mô lớn nên gia đình tôi cần rất nhiều vốn, nhất là tiền vốn để mua thức ăn. Gia đình tôi nhanh chóng hoàn tất thủ tục vay vốn NHCSXH huyện Tiền Hải thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lũ Phong, gia đình tôi đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục vay vốn. Có vốn, gia đình mạnh dạn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Thi xã Hoà Bình, huyện Vũ Thư tiếp cận vốn vay NHCSXH từ năm 2017 thông qua chương trình cho vay NS&VSMTNT. Đến năm 2019, gia đình anh tiếp tục được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để mở rộng mô hình nuôi bò 3B, nuôi trâu thương phẩm.
Đặc biệt, để giúp gia đình vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, anh Thi còn được NHCSXH huyện Vũ Thư giải ngân nguồn vốn 70 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Thi tâm sự: “Từ nguồn vốn vay đó, gia đình tôi đã mở rộng phát triển mô hình nuôi bò 3B, nuôi trâu thương phẩm với quy mô 50 con và 50 con trâu Thái Lan; tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng”.
Giúp nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả
Giám đốc NHCSXH huyện Vũ Thư Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chuyển tải vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, toàn huyện đã hình thành và duy trì mạng lưới ủy thác đầy đủ tại 30 xã, thị trấn với 321 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 209 thôn, khu dân cư để chuyển tải và quản lý 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ ủy thác đạt trên 439 tỷ đồng với 10.588 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Lê Hồng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất. Cụ thể: Năm 2022, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức 2.197 lớp chuyển giao KHKT cho 167.859 lượt hội viên; phối hợp tổ chức 351 lớp đào tạo nghề cho 1.596 hội viên. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn xây dựng 40 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ cung ứng 2.110 tấn phân bón các loại, bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất trồng trọt.
Để nông dân có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã nhận uỷ thác của chi nhánh NHCSXH tỉnh trên 1.287 tỷ đồng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay phát triển SXKD. Thông qua hoạt động ủy thác, các cấp Hội Nông dân không chỉ thực hiện các công việc trong quy trình cho vay vốn mà còn phối hợp lồng ghép chuyển giao KHKT, tư vấn cho hộ vay về cách thức làm ăn, các mô hình sản xuất hiệu quả cao… Qua đó, tạo động lực thi đua sôi nổi trong hội viên, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi.

Đức Thịnh

Các tin bài khác