Thái Bình hỗ trợ trên 142.000 hộ thoát nghèo
Dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên HĐQT NHCSXH, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Quang Hưng cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương.
Clip: Tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ
Vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được triển khai cho vay tới các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, doanh số cho vay 20 năm qua đạt trên 13.420 tỷ đồng; qua đó, giúp trên 142.000 hộ thoát nghèo; trên 91.000 lao động được tạo việc làm; gần 95.000 HSSV vay vốn học tập; gần 395.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 4.700 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 là 2,4%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận làm rõ hơn những kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện Nghị định 78. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư, phủ kín đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận biểu dương và đánh giá cao những kết quả chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Bình đạt được trong 20 năm qua. Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động tín dụng chính sách, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố, các Sở, ngành, cơ quan liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong hoạt động tín dụng chính sách.
Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp để chủ động triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm các hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện dân chủ, công khai, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đối với tỉnh, sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách; tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong từng giai đoạn; phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh, các huyện, thành phố chiếm 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và bảo toàn nguồn vốn; kết hợp đồng bộ thực hiện các chương trình tín dụng với tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đem lại nhiều tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng khẳng định: Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội và NHCSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp trong tỉnh sẽtiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Nguyễn Thơi
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » HẬU GIANG 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO (Bài 2: Khi người nghèo được đặt vào trung tâm xây dựng và thực thi chính sách)
- » HẬU GIANG 20 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NGHÈO (Bài 1: Tối ưu hóa chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế)
- » Trụ cột hỗ trợ giảm nghèo ở Hậu Giang
- » Yên Bái tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Ấn tượng ngày hội của những người làm tín dụng chính sách
- » Tưng bừng Hội thi “Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ NHCSXH toàn quốc năm 2022”
- » Quảng Trị ưu tiên hỗ trợ thoát nghèo (VTV1 - 11h00 - 24.9.2022)
- » Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn NHCSXH lần thứ 10, khóa IV