Vốn tín dụng chính sách góp nhành Xuân no ấm
Khi những cành đào Phai vẫn còn vẹn nguyên sắc thắm, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Hướng, thôn Bản Qua 2, xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì. Vợ chồng trẻ, mới tách ra ở riêng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gia đình anh được xếp vào diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2021, được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã, anh mạnh dạn đăng ký triển khai chương trình cải tạo vườn tạp. Sau khi được NHCSXH huyện giải ngân nguồn vốn 30 triệu đồng theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua lợn nái, trâu về nuôi sinh sản. Trên diện tích gần 2.000m2, anh bố trí khu vực chăn nuôi, khu vực trồng rau và trồng mận Tam hoa. Đến nay, mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế tổng hợp đem lại thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng cho gia đình anh. Cuối năm 2022 vừa qua, gia đình anh đã thoát nghèo.
Anh Hướng phấn khởi cho biết: “Sau khi giải ngân nguồn vốn, cán bộ NHCSXH huyện và cán bộ xã thường xuyên đến giúp đỡ gia đình tôi trong quá trình triển khai thực hiện từ bố trí sơ đồ, quy hoạch khu vườn, mua con giống… Đây cũng chính là nền tảng và động lực rất lớn để gia đình tôi nỗ lực, vươn lên thoát nghèo. Đón Tết này, gia đình tôi như có thêm niềm vui nhân đôi, bởi đây là cái Tết đủ đầy nhất với các thành viên khi gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo và có thêm điều kiện để mua sắm đón Tết”.
Niềm vui của gia đình anh Hướng cũng là niềm vui chung của nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách khác ở huyện miền núi Hoàng Su Phì, bởi từ nguồn vốn tín dụng chính sách, họ đã có vốn để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH huyện Hoàng Su Phì đạt 415 tỷ đồng/9.044 hộ còn dư nợ.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm về mọi mặt, trong đó đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Điểm giao dịch tại xã; việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Năm 2022, hoạt động của NHCSXH huyện đã có những chuyển biến, đột phá tích cực trong hoạt động tín dụng so với những năm trước đây; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên; đặc biệt là số khế ước trên 3 tháng không hoạt động giảm mạnh, lãi tồn đọng giảm, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên, huy động tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiều chuyển biến.
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nhận ủy thác với NHCSXH. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 412,7 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 80 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ NHCSXH. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện là 244 tổ, trong đó xếp loại tốt 238 tổ, chiếm tỷ lệ 97,54%.
Tròn 20 mùa Xuân đồng hành cùng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt nguồn vốn, thực hiện chủ trương công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện các chương trình tín dụng, đảm bảo nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; góp thêm nhành Xuân no ấm cho mọi người, mọi nhà.
Nguyễn Phương
Các tin bài khác
- » Hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm
- » Bình Định phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm
- » Hiệu quả đồng vốn ưu đãi nơi biên giới
- » Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp an cư
- » Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Xương
- » Nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Vốn ưu đãi “nâng bước” hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức nông dân bằng nguồn vốn ưu đãi
- » Hà Nội tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động
- » Tín dụng chính sách mang đến mùa xuân no ấm