Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Xương
Từng được học kỹ thuật sản xuất nấm từ nhiều năm trước, nhưng do không có vốn nên anh Đào Văn Hưng ở thôn Lê Hưng, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương chỉ có thể trồng rau theo cách truyền thống để mưu sinh, thu nhập không đáng kể. Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình anh được NHCSXH huyện Quảng Xương hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng. Với số vốn này, anh Hưng đã xây dựng nhà trồng nấm sò.
Vừa làm vừa quay vòng vốn để đầu tư, đến nay, anh đã mở được 8 nhà trồng nấm với diện tích gần 2.000m². Sản phẩm nấm của gia đình anh được thương lái nhập bán ở các tỉnh ngoài, trừ chi phí cho thu lãi 300 triệu đồng/năm. Anh Đào Văn Hưng cho biết, trong năm 2023 sẽ trồng một số nấm mùa hè như: Nấm trắng, nấm thu cổ với hệ thống làm mát hiện đại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của các loại nấm này là TP Đà Nẵng, TP Hà Nội, tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác.
Đây chỉ là một trong số hàng nghìn mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quảng Xương. Nguồn vốn được tập trung đầu tư cho vay các chương trình tín dụng để giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững như: cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo.
Đồng thời, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt như: cho vay NS&VSMTN, giúp xây dựng trên 2.504 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Cùng với đó, nguồn vốn còn đầu tư cho vay để duy trì và tạo việc làm, đặc biệt là tập trung cho vay doanh nghiệp, người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của COVID-19; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập…
NHCSXH huyện cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện đã thống nhất phối hợp chặt chẽ, triển khai đến các đơn vị cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra hàng năm. Bên cạnh đó, bám sát 5 nhiệm vụ về quản lý vốn ủy thác trong hợp đồng ủy thác, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai tốt nhiệm vụ được giao ủy thác đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách mới về tín dụng chính sách như: Chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là cho vay nhà ở xã hội; triển khai hỗ trợ lãi suất 2% đối với các món vay từ 1/1/2022 đến 31/12/2023 có lãi suất vay trên 6%/năm; tuyên truyền vận động gửi tiền tiết kiệm vào NHCSXH…
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, thời gian qua, NHCSXH huyện đã phối hợp triển khai công tác ủy thác tới cấp xã; tập huấn nghiệp vụ cho 100% các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, 188 thôn trưởng và 26 cán bộ là thành viên ban giảm nghèo cấp xã.
Thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với Ban giảm nghèo xã, thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tham mưu UBND xã chỉ đạo rà soát đối tượng hộ cận nghèo, hộ nghèo, nhất là các chương trình HSSV thuộc các đối tượng hộ gia đình cận nghèo, hộ có mức sống trung bình có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… chương trình vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã để làm cơ sở cho NHCSXH huyện đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Văn Chung
Các tin bài khác
- » Nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Vốn ưu đãi “nâng bước” hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức nông dân bằng nguồn vốn ưu đãi
- » Hà Nội tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động
- » Tín dụng chính sách mang đến mùa xuân no ấm
- » Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách
- » Không để người nghèo thiếu vốn vay
- » “Cánh tay nối dài” chuyển vốn Nhà nước giúp người nghèo
- » Huy động tiết kiệm, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Thúc đẩy tín dụng xanh từ chương trình cho vay NS&VSMTNT