Hiệu quả đồng vốn ưu đãi nơi biên giới
Sau 2 lần được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Sông Mã, đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền ở bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, đã gây dựng được cơ ngơi khang trang, với trang trại được đầu tư khép kín nuôi gà, vịt siêu trứng, quy mô gần 5.000 con. Bình quân mỗi ngày, gia đình anh xuất bán ra thị trường 1.500 - 2.000 quả trứng gà, vịt, lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Anh Tuyền chia sẻ: “Năm 2021, sau khi nghiên cứu tìm hiểu kỹ thuật và nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi gà siêu trứng. Quá trình nuôi, tôi thấy đây là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình mong muốn mở rộng quy mô nhưng thiếu vốn. May mắn khi đầu năm 2022, gia đình tiếp tục được NHCSXH huyện Sông Mã cho vay thêm 300 triệu đồng, chúng tôi đã đầu tư mở rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao hơn”.
Về xã Nà Nghịu thăm vườn nho Hạ đen của Công ty TNHH Nông lâm Sông Mã, chúng tôi ấn tượng với hệ thống nhà lưới quy mô nhà lưới, những hàng nho thẳng tắp đang phát triển xanh tốt. Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Sông Mã trồng thành công nho Hạ đen và có quy mô lớn nhất huyện. Ông Trần Ngọc Vượng - Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm Sông Mã, chia sẻ: “Tháng 4/2020, Công ty được NHCSXH huyện Sông Mã tạo điều kiện vay 800 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư làm hệ thống nhà lưới với diện tích 5.000 m² và mua giống nho Hạ đen về trồng. Sau 7 tháng trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây nho đã cho thu hoạch và được người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, vườn nho của Công ty đã phát triển lên 1ha, với 2.000 cây nho, từ đó tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, tổng thu nhập từ vườn nho đạt 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng nho của Công ty có được thành công như ngày hôm nay là được tiếp thêm lực từ nguồn vốn vay ưu đãi”.
Ông Nguyễn Thế Chung - Giám đốc NHCSXH huyện Sông Mã, thông tin: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện đạt trên 578 tỷ đồng với trên 13.480 hộ vay vốn. Thời gian tới, đơn vị củng cố hoạt động tín dụng tại các xã, thị trấn, trong đó tập trung rà soát, đôn đốc nợ đến hạn, lãi tồn; phối hợp với các phòng ban, đơn vị thực hiện cho vay các đối tượng chính sách. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cơ sở cho mọi người dân hiểu rõ các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để người dân hiểu và tham gia.
Đồng vốn tín dụng chính sách xã hội ở Sông Mã là một trong những nguồn lực giúp kinh tế - xã hội của địa phương thêm phát triển, nhất là ở những khu vực biên giới, vùng khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng quê hương Sông Mã ngày càng giàu đẹp.
Duy Tùng
Các tin bài khác
- » Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp an cư
- » Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Xương
- » Nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Vốn ưu đãi “nâng bước” hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức nông dân bằng nguồn vốn ưu đãi
- » Hà Nội tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động
- » Tín dụng chính sách mang đến mùa xuân no ấm
- » Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách
- » Không để người nghèo thiếu vốn vay
- » “Cánh tay nối dài” chuyển vốn Nhà nước giúp người nghèo