Hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm
Cho vay giải quyết việc làm là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao KHKT trong nông nghiệp, nông thôn. Chương trình có tác động tích cực đến việc thu hút lao động, chuyển dần lao động thuần tuý trong nông nghiệp mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng này, với hàng nghìn khách hàng được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt trên 431,7 tỷ đồng với gần 11 nghìn khách hàng còn dư nợ, qua đó giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, vượt lên khó khăn.
Trong 2 năm 2020 - 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh mất việc làm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống. Trong bối cảnh đó, NHCSXH được Chính phủ giao thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (cho vay giải quyết việc làm) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai kịp thời, chuyển vốn đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Định, xóm Thanh Định, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc nhiều năm đi làm công nhân ở Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh phải ở nhà nên thu nhập giảm sút, đời sống gặp nhiều khó khăn. Với khoản vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm của NHCSXH, anh Định đã sử dụng để trồng, chăm sóc vườn bưởi. Nhờ đó gia đình vượt qua được giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Gia đình bà Đinh Thị Minh, xóm Quyết Chiến, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc cũng gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Nhiều năm qua, gia đình bà Minh chăn nuôi bò trong đồi rừng. Với đàn bò duy trì từ 6 -7 con đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá bò giảm mạnh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Khó chồng khó khi gia đình bà còn bị mất một cặp bò. Để quản lý, chăm sóc bò tốt hơn, gia đình quyết định xây chuồng trại ở gần nhà, đưa bò về nuôi theo hình thức bán chăn thả. Nhờ sự hướng dẫn của tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Minh làm thủ tục vay vốn, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm. Bà Minh chia sẻ: “Nhờ vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi xây dựng được chuồng trại, mua thêm một cặp bò về nuôi. Với gia đình tôi, chăn nuôi vẫn là nghề đem lại thu nhập chính. Để đảm bảo đủ thức ăn cho bò, gia đình đã trồng cỏ voi”.
Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh, nhu cầu vay vốn giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 1.336,7 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay giải quyết việc làm trên 738 tỷ đồng. Hết năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 150 tỷ đồng, với gần 3 nghìn khách hàng được vay vốn. Trong tháng 1/2023, doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt trên 13,7 tỷ đồng/267 khách hàng được vay vốn. Đây là một trong những chương trình có doanh số cho vay đạt cao trong tháng 1. Thông qua chương trình tín dụng này, trong tháng đầu năm 2023, có 229 lao động trên địa bàn tỉnh được tạo việc làm.
Viết Đào
Các tin bài khác
- » Bình Định phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm
- » Hiệu quả đồng vốn ưu đãi nơi biên giới
- » Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp an cư
- » Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Xương
- » Nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Vốn ưu đãi “nâng bước” hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức nông dân bằng nguồn vốn ưu đãi
- » Hà Nội tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động
- » Tín dụng chính sách mang đến mùa xuân no ấm
- » Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách