Nông dân Hòa Bình tự tạo việc làm, tăng thu nhập từ nguồn vốn chính sách
Nuôi gà, nuôi cá thu trăm triệu đồng mỗi năm
Chị Quách Thị Huyền ở thôn Ba Lầm, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi là 1 trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Trong trang trại 1ha của gia đình chị Huyền có gần 2.000 con gà đang chuẩn bị xuất bán cùng 5 con lợn nái, 9 con bò giống đang kỳ phát triển là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ với động lực là vốn vay của NHCSXH.
Chị Huyền tâm sự: “Vợ chồng tôi khởi đầu việc làm ăn từ bàn tay trắng. Năm 2002, gia đình tôi vay 3 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kim Bôi để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Sau khi trả xong nợ, gia đình tôi lại được ngân hàng cho vay tiếp để mở rộng mô hình sản xuất”. Đến nay, gia đình chị Huyền đã sở hữu một mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm lý tưởng, làm ăn hiệu quả. Tính trung bình, mỗi năm, gia đình chị thu về 400 triệu đồng từ chăn nuôi.
Chủ tịch UBND xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi Quách Công Quy cho biết: Năm 2016, trên địa bàn xã Nuông Dăm còn 936 hộ nghèo, chiếm trên 50% tổng số hộ dân. Đến năm 2022, số hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn hơn 16%. Những chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng của Nhà nước đã được triển khai có hiệu quả, giúp người nghèo tiếp cận kịp thời các nguồn hỗ trợ, qua đó đảm bảo cuộc sống và an sinh xã hội.
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để chuyển đổi sản xuất các mô hình chăn nuôi, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình anh Xa Văn Huy ở xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Đà Bắc, anh Huy đầu tư mở rộng quy mô hệ thống lồng bè với hơn 40 lồng cá nuôi các loại cá đặc sản như cá ngạnh, cá lăng, cá chiên và cá trắm đen… Đến nay, doanh thu từ nuôi cá của gia đình anh Huy đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Đòn bẩy” giúp hộ nghèo phát triển kinh tế
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết: Khi mới thành lập (2002), chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình thực hiện 2 chương trình tín dụng chính sách; sau 20 năm hoạt động, đến nay, đã thực hiện cho vay 22 chương trình tín dụng với tổng dư nợ tăng gần 20 lần. Thông qua nguồn vốn chính sách đã có trên 644.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH. Nguồn vốn chính sách đã giúp trên 116.000 lượt hộ thoát nghèo theo từng giai đoạn; tạo việc làm cho trên 32.000 lao động; xây dựng trên 21.000 ngôi nhà cho hộ nghèo; xây dựng trên 182.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; 40.000 HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; 1.100 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động… Qua đó, góp phần quan trọng cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ phủ khắp các phường, xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trở thành “đòn bẩy” giúp hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn trực tiếp chung tay góp sức thực hiện hiệu quả thiết thực nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước và địa phương.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình, tổng nguồn vốn đến 31/8/2022 đạt trên 4.087 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với năm 2003. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã và đang thực hiện 20 chương trình cho vay ưu đãi. Giai đoạn 2017 đến tháng 12/2021, hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã cho 173.286 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay là 5.247 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Trong đó có 39.609 lượt hộ nghèo, 29.817 lượt hộ cận nghèo, 13.746 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020) giảm từ 36,14% xuống còn 15,21% so với đầu giai đoạn.
Thu Hà
Các tin bài khác
- » Hà Nội đẩy mạnh triển khai tín dụng chính sách xã hội
- » Dấu ấn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách tại Hà Giang
- » Chính sách tín dụng ưu đãi tiếp sức cho người nghèo Ea Kar
- » Chung tay gửi tiền tiết kiệm vì người nghèo Quảng Ngãi
- » “Cầu nối” chuyển tải hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội: Phương thức truyền tải vốn ưu đãi hiệu quả tại Ninh Bình
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho hộ nghèo Vĩnh Phúc vươn lên
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Thanh Chương
- » Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm
- » Điểm tựa vững chắc cho người nghèo Gia Lai