Dấu ấn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách tại Hà Giang

02/11/2022
(VBSP News) Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, xuyên suốt 20 năm qua (2002 - 2022), nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bao phủ khắp các bản làng từ nội địa, đến biên giới, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, giúp hàng trăm nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
img_8339_20221101153320

Tín dụng ưu đãi giúp nhiều hộ dân xã Hùng An, huyện Bắc Quang có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững

Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chi nhánh NHCSXH tỉnh ra đời trên cơ sở thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với mục đích chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đó là chuyển tải vốn tín dụng thông qua phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên) với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Với phương thức này, NHCSXH đã xây dựng được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã ủy thác 99,6% tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng (tương đương gần 4.100 tỷ đồng) cho các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập dưới sự hướng dẫn của các tổ chức chính trị - xã hội, được UBND cấp xã chấp thuận đã quy tụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn cùng sống trên một địa bàn dân cư. Với 2.576 Tổ tiết kiệm và vay vốn được hình thành ở cơ sở (97,8% tổ xếp loại chất lượng hoạt động tốt, khá) đã trở thành cánh tay nối dài của NHCSXH với người vay vốn. Bởi Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ giúp chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng mà còn tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đồng thời, giúp các hộ vay vốn hình thành thói quen gửi tiền tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã mở 193 Điểm giao dịch tại 193 đơn vị hành chính cấp xã. Phương thức này thể hiện tính ưu việt, đặc thù riêng có của NHCSXH và là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, thể hiện tinh thần phục vụ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ NHCSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả hoạt động tại Điểm giao dịch giải quyết được trên 95% giao dịch của khách hàng với NHCSXH. Qua đó, vừa tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hàng năm, UBND tỉnh và UBND 11 huyện, thành phố đã dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác toàn tỉnh đạt 206,2 tỷ đồng, tăng 201,1 tỷ đồng so với thời điểm mới thực hiện Chỉ thị số 40. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong việc tập trung nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhất là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương.
Trao “chìa khóa” thoát nghèo
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 với 2 chương trình ban đầu là cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm với tổng số tiền 117,8 tỷ đồng; đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đang thực hiện 18 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay đạt gần 11 nghìn tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt gần 7.000 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 9/2022, tổng dư nợ tại chi nhánh NHCSXH tỉnh là 4.088 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân 21,3%/năm.
Thực tế cho thấy, vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã trở thành “chìa khóa” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong 20 năm qua, toàn tỉnh có 268.682 lượt hộ nghèo, 26.274 lượt hộ cận nghèo, 13.478 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, gần 32.000 lao động vay vốn tạo việc làm, 2.375 lượt hộ vay vốn xuất khẩu lao động, 16.748 hộ đồng bào DTTS vay vốn cải tạo đất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất, kinh doanh; 15.124 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 14.740 căn nhà ở cho hộ nghèo và 193 căn nhà ở xã hội; xây dựng 65.282 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Anh Lý Văn Pao ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ chia sẻ: “Trước năm 2013, gia đình tôi bị cái nghèo bủa vây, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, không có vốn sản xuất, phải lo kiếm ăn từng bữa. Nhưng giai đoạn 2014 - 2018, cái nghèo dần “xua tan” khi tôi được tiếp cận nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt và trồng cây ăn quả. Nay, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập từ trên 70 đến gần 100 triệu đồng/năm, xây dựng được nhà ở khang trang, tiện nghi và có tiền nuôi các con ăn học”…
Không chỉ có gia đình anh Pao, suốt 20 năm qua, dòng vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ 127.800 hộ dân trên địa bàn tỉnh thoát nghèo. Kết quả quan trọng này góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ nghèo từ 1,25 triệu đồng (năm 2005) lên 9,5 triệu đồng vào năm 2021.

Thu Phương

Các tin bài khác