Tín dụng chính sách - “điểm tựa” vững chắc cho người yếu thế

10/08/2022
(VBSP News) Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Lúc bấy giờ, Hà Giang là một tỉnh còn khó khăn về mọi mặt. Nhưng 20 năm sau, từ đồng vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vững chắc trên hành trình vượt lên đói nghèo. Từ đó khơi dậy ý chí, nghị lực để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
giai_ngan_nq_11_20220803160936

Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế việc người dân tìm đến tín dụng đen

Khởi sắc nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách    
Những ngày tháng 8 dưới cái nắng vàng của mùa Thu, chúng tôi có dịp đến huyện Xín Mần. Đến Xín Mần hôm nay, điều mà tôi cũng như nhiều người cảm nhận được rõ nét là làng quê nông thôn miền núi đang từng ngày thay đổi và khởi sắc hơn so với trước đây. Sự phát triển đó không thể phủ nhận là nhờ đóng góp rất lớn của nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH huyện. Đây được xem là “điểm tựa” cho sự đổi thay của một huyện nghèo.
Đã có rất nhiều hộ nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà thoát được cái nghèo và ổn định cuộc sống, vươn tới làm giàu. Đến thăm gia đình anh Vàng Văn Quyền ở thôn Lao Pờ, xã Xín Mần, được biết, ban đầu anh chỉ dám vay ít, đến khi kinh tế dần ổn định anh đã mạnh dạn vay nhiều hơn để đầu tư làm chuồng trại nuôi dê hàng hoá và trồng cây ăn quả. Hiện tại, anh đang vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện gia đình anh Quyền đã thoát nghèo, vươn lên hướng tới làm giàu. Anh Vàng Văn Quyền chia sẻ: “Nếu như không vay vốn để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt, không biết khi nào gia đình tôi mới thoát được cái nghèo. Bây giờ cuộc sống đã ổn định, gia đình hạnh phúc, thật biết ơn Đảng và Nhà nước đã cho tôi được tiếp cận vay vốn”.
Giám đốc NHCSXH huyện Xín Mần Trần Thanh Vỹ cho biết: “Từ khi triển khai các nguồn vốn tới người dân, chúng tôi được sự ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với đó là các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện tới cơ sở đảm nhận quản lý, ủy thác vốn cho bà con nông dân. Do đó, công tác chỉ đạo, điều hành rất thuận lợi. Cứ hàng tháng, cán bộ, nhân viên chúng tôi thường xuyên cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban đều đặn vào các phiên giao dịch cố định. Đây chính là dịp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Phạm Duy Hiền, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78, huyện Xín Mần đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được trên 40.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt hơn 1.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 640 tỷ đồng. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đạt gần 390 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng trong 20 năm qua đã kịp thời góp phần giúp cho gần 10.600 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 870 lao động; giúp đỡ gần 500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 5.500 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 1.700 ngôi nhà cho hộ nghèo… Có thể nói, nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, huyện Xín Mần ngày càng khởi sắc, nhiều người yếu thế vươn lên thoát nghèo, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi.
Mạng lưới 2.577 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động sâu rộng tại các thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh là một lợi thế để chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang chuyển tải vốn nhanh, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Với phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến tận tay người thụ hưởng một cách thuận tiện, nhanh chóng và bảo đảm công khai, minh bạch. Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, tổ dân phố không những chuyển tải thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác mà còn thực hiện việc quản lý, giám sát, thu nợ vốn. Chính vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở và xem đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh.
Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW

img_0720_20220803160956

Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình anh Pờ A Sài ở thôn Khâu Nhịu, xã Đông Minh, huyện Yên Minh đã ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tại Hà Giang, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đã xác định tín dụng chính sách là một trong những phương thức, công cụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Na Khê, huyện Yên Minh Phạm Văn Sơn chia sẻ: Nguồn vốn của NHCSXH thực sự có ý nghĩa quan trọng với người dân vùng cao bởi lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh chóng tại xã, ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội công khai, minh bạch. Hơn hết, từ khi ban hành Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn vốn vay bằng các việc làm cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng số lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn và giám sát nguồn vốn chặt chẽ để mang lại hiệu quả thiết thực”.
Kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 và sau hơn 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách cho trên 508.817 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền là 10.769 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.061 tỷ đồng, tăng hơn 3.944 tỷ đồng (gấp 34,7 lần) so với thời điểm nhận bàn giao năm 2003. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.046 tỷ đồng với 89.063 hộ còn dư nợ; dư nợ bình quân là 45,4 triệu đồng/hộ/năm.
Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong 20 năm qua đã góp phần hỗ trợ cho 30.195 lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 2.360 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 16.748 hộ đồng bào DTTS được vay vốn để SXKD, cải thiện đời sống, chuyển đổi nghề, cải tạo và khai hoang đất; 14.740 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 15.124 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 80.892 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn…
20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ/CP đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang được tiếp cận, vay vốn để có cơ hội thoát nghèo. Cuộc sống của họ trở nên khởi sắc hơn bởi chính những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành đúng đắn, có hiệu lực và hiệu quả. Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ và giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các Chỉ thị, Nghị quyết và kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Bài và ảnh Hồng Cừ

Các tin bài khác