Điểm tựa cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương

13/02/2023
(VBSP News) Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội những năm qua được coi là đòn bẩy, nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi, thúc đẩy sản xuất, đồng hành và là điểm tựa vững chắc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
cao phong

Cán bộ NHCSXH huyện Thạch An thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng luôn đồng hành, sát cánh mang vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo và được ví như “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho nhân dân.
Dù đã bươn trải đủ nghề để kiếm sống nhưng gia đình ông Đàm Văn Ngọc ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân, huyện Thạch An vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong nhiều năm liền. Ông Ngọc cho biết: “Năm 2020, sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH, tôi đầu tư xây mới chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, thông thoáng để nuôi trâu bò sinh sản và chăn nuôi lợn thịt. Sau 2 năm nỗ lực vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, việc chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống gia đình tôi từng bước ổn định. Hết năm 2022, gia đình tôi thoát nghèo. Tôi mong thời gian tới, tiếp tục được tiếp cận nhiều chương trình cho vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất”.  
Để thực hiện mục tiêu đề ra, chi nhánh NHCSXH tỉnh có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức và quản lý nguồn vốn tín dụng. Phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; củng cố nguồn lực, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, duy trì các phiên giao dịch xã đúng định kỳ, giúp người dân tiếp cận vốn thuận lợi. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao vai trò ủy thác, tín chấp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm tăng tính hiệu quả và giảm rủi ro, nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh. Đồng thời, tổ chức thành công ngày hội huy động gửi tiền tiết kiệm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân. Kết quả, đã huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên 80 tỷ đồng, nâng số tiền huy động đến nay lên 275 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt hơn 3.451 tỷ đồng, tăng 514 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay đạt trên 1.260 tỷ đồng với 18.610 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.439 tỷ đồng với 23.553 lượt hộ vay vốn. Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh tạo việc làm cho 7.536 lao động; hỗ trợ xây dựng 4.388 công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ 561 HSSV hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.367 hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.
Nhằm khôi phục kinh tế sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo các cấp triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Văn Nam cho biết: Trong năm 2023, chi nhánh chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho các đối tượng chính sách vay vốn. Phòng giao dịch NHCSXH các huyện bám sát chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ các chương trình tín dụng được giao năm 2023, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tế tại địa phương, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng hạn; thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch xã; củng cố hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn các thôn, xóm; tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, nhận tiền gửi từ thành viên của tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng được giao.
Năm 2022, tín dụng chính sách xã hội có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng của tỉnh Cao Bằng, nhất là tạo điểm nhấn ấn tượng về thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hy vọng với sự đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, xã hội hóa về huy động nguồn lực, năm 2023, vốn tín dụng chính sách tiếp tục là nguồn lực thiết thực đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong SXKD, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thái Hà

Các tin bài khác