“Cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách

27/02/2023
(VBSP News) Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là “cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách, là cầu nối giữa NHCSXH với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị xã hội... Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.636 Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ hoạt động hiệu quả thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác với tổng số 110.232 thành viên.
tay ninh

NHCSXH huyện Bến Cầu giải ngân vốn vay cho người dân

Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được kiện toàn và nâng cao, trong đó: có 1.968 tổ xếp loại tốt, chiếm 74,7%; 483 tổ xếp loại khá, chiếm 18,3%; 157 tổ xếp loại trung bình, chiếm 5,9% và 28 tổ xếp loại yếu, chiếm 1,1%. Việc bình xét cho vay, chọn đối tượng vay, đôn đốc thu hồi nợ đều xuất phát từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, nên ý thức sử dụng vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ của người vay đều chịu tác động rất lớn từ vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý tổ.
Chính vì thế, Tổ tiết kiệm và vay vốn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể liên quan đánh giá là một trong những đóng góp rất quan trọng tạo nên sự thành công trong hoạt động tín dụng chính sách. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn Đinh Ngọc Sơn khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu thuộc Hội Nông dân quản lý, người dân trong khu vực đa số sinh sống bằng nghề nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ.
Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thị trường cũng như nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nên đời sống nhân dân nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận với nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên, trong đó, phải kể đến nguồn vốn cho vay thông qua NHCSXH.
Từ nguồn vốn chính sách, người dân khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu đầu tư chăn nuôi, mở rộng dịch vụ ngành nghề phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình, điển hình như: hộ bà Lê Thị Thích, năm 2021 vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm mua 2 con trâu giống, hiện nay trâu phát triển tốt, tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi bò; hộ bà Văn Thị Điệp, năm 2018 vay chương trình hộ cận nghèo 50 triệu đồng, mua 3 con bò giống, hiện nay bò phát triển tốt, chuẩn bị sinh sản; hộ bà Lê Thị Hồng Tiên, vay 20 triệu đồng từ chương trình NS&VSMTNT để xây dựng công trình nước sạch vệ sinh, góp phần vào việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới…
Bên cạnh đó, nhiều hộ vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí cho con học tập, nhờ vào chương trình này mà con em của các gia đình đã có điều kiện tiếp bước đến trường, nhiều em ra trường có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập giúp cha mẹ cải thiện cuộc sống và trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đúng cam kết. Từ khi Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập đến nay không có nợ quá hạn, kết quả xếp loại tổ qua các năm luôn đạt loại tốt.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý vốn vay, ông Đinh Ngọc Sơn cho biết: Cần làm tốt công tác tuyên truyền, cụ thể là tuyên truyền các nội dung trong quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó, các thành viên trong tổ cùng cộng đồng trách nhiệm để thực hiện. Bên cạnh đó, làm tốt việc bình xét cho vay, phải lựa chọn những người có uy tín, có ý chí làm ăn, có phương án SXKD khả thi để đề nghị cho vay, có như thế thì hiệu quả của đồng vốn mới được phát huy và nhân rộng.
Mặt khác, cần phối hợp tốt với đơn vị liên quan trong việc kiểm tra quá trình sử dụng vốn của hộ vay, kịp thời thông tin những trường hợp hộ vay gặp khó khăn trong quá trình sử dụng vốn, như bị thiên tai, dịch bệnh, bão lũ làm thiệt hại vốn để cấp trên bổ sung vốn kịp thời để bà con vay bổ sung khôi phục SXKD.
Công tác xử lý nợ đến hạn cũng luôn được quan tâm, nợ đến hạn được thông tin trước cho hộ vay từ 3 đến 6 tháng, định kỳ động viên hộ vay trả theo phân kỳ hằng năm để giảm bớt gánh nặng khi phải trả gốc 1 lần, vì thế trong những năm qua không có trường hợp hộ vay nợ quá hạn.
Ngoài ra, thường xuyên báo cáo tình hình quản lý vốn vay của tổ cho chi bộ khu phố để kịp thời chỉ đạo, theo dõi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng khu dân cư, tránh được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại trong việc vay vốn, góp phần tích cực vào bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Định kỳ hằng tháng, tham gia giao ban và giao dịch với ngân hàng đúng quy định, không để tình trạng vắng giao ban; sổ sách, chứng từ quản lý của tổ luôn gọn gàng, đầy đủ. Nhiều năm qua, ông Đinh Ngọc Sơn được Hội Nông dân, UBND thị trấn và NHCSXH đánh giá là tổ xuất sắc tiêu biểu nhiều năm liền trong công tác quản lý vốn vay trên địa bàn thị trấn Dương Minh Châu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2002 đến nay, mặc dù một số thời điểm gặp khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH, sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành liên quan, đã tập trung được nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 480 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 94/94 xã, phường, thị trấn, 100% ấp, khu phố; giúp cho hơn 47 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 82 nghìn lao động; tạo điều kiện cho hơn 57 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 355 nghìn công trình NS&VSMTNT; gần 1.245 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 43 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn SXKD, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 187 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Với mạng lưới từ tỉnh đến huyện và hệ thống Điểm giao dịch được đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn; mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các ấp, khu phố đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động Điểm giao dịch tại xã là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tiết giảm chi phí đi lại của người vay. Hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét cho vay, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi.

Giang Hà

Các tin bài khác